Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024
Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhất là việc tập trung vào các thị trường lớn. Ảnh tư liệu

Có khả năng đạt mức tăng trưởng khoảng 7%

Theo báo cáo mới đây của Bộ phận nghiên cứu Toàn cầu HSBC, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam không chỉ gói gọn trong các chỉ số chính mà đã bắt đầu lan rộng. Về thương mại, sự phục hồi của công nghệ tiếp tục mang lại nguồn lực cần thiết trong khi các ngành khác cũng vượt đáy để lấy lại tăng trưởng đầy thuyết phục. Trong khi đó, các dịch vụ liên quan đến du lịch tiếp tục tỏa sáng sau khi Việt Nam đón hơn 8,8 triệu lượt khách trong nửa đầu năm 2024.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định vĩ mô

Tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024, Chính phủ đã yêu cầu nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức cận trên từ 6,5 - 7%, lạm phát dưới 4,5% và thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024, tạo nền tảng thuận lợi và giữ đà, giữ nhịp phát triển cho năm 2025.

Trong đó, chú trọng thực hiện hiệu quả các nội dung trọng tâm: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công...

Đánh giá chung, báo cáo này cho rằng Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng để chứng kiến triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn trong năm 2024. Với kết quả quý II tốt hơn kỳ vọng, HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ mức 6% lên 6,5%. Điều đó nhiều khả năng sẽ đưa Việt Nam trở lại vị trí là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN, một vị trí Việt Nam đã tạm nhường cho các quốc gia khác trong khu vực trong hai năm vừa qua.

Trước đó, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cũng đã đưa ra báo cáo cập nhật kịch bản tăng trưởng cho cả năm 2024. Theo đó, với giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như đề ra trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024.

Ở kịch bản cao hơn, giả thiết là Việt Nam thực hiện hiệu quả các giải pháp cải cách và điều hành kinh tế ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng (kể cả chất lượng tín dụng), tăng năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Khi đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95% trong năm 2024.

Như vậy, Việt Nam có khả năng đạt mức tăng trưởng khoảng 7% cho cả năm 2024, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, đi kèm với đó phải là sự nỗ lực rất lớn để triển khai hiệu quả tối đa các giải pháp đã đề ra.

Lựa chọn kịch bản cao để quyết tâm, nỗ lực hơn nữa

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, mặc dù tình hình còn nhiều thách thức, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản cao là tăng trưởng cả năm 6,5 - 7%, phấn đấu đạt mức cao 7%.

Kịch bản này được kiến nghị dựa trên nhiều yếu tố. Chẳng hạn, xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế; đầu tư tư nhân và doanh nghiệp nhà nước phục hồi nhanh hơn, đầu tư nước ngoài duy trì được đà tăng trưởng tích cực; khả năng duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhất là việc tập trung vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản...

Bên cạnh đó, du lịch và tiêu dùng có thể tăng trưởng nhanh hơn, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế. Trong 6 tháng cuối năm, nhiều chính sách, quy định pháp luật mới chuẩn bị ban hành và có hiệu lực cũng được kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế. “Đặc biệt, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương đầu tàu kinh tế như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương... cũng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương kỳ vọng.

Mặc dù xu hướng đang tích cực, cơ hội là rất lớn, song Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng chỉ ra khó khăn, thách thức phía trước vẫn còn rất lớn. Những khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực tiếp tục tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội Việt Nam.

Các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn, thách thức, cả sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu, tiêu dùng nội địa… đều như vậy. Tuy nhiên, tất cả các lĩnh vực này đều có nhiều dư địa để tăng trưởng. Nếu được tập trung cải thiện, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thì đây sẽ là sự đột phá để đưa tăng trưởng đạt mức cao.

“Tôi cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, nhưng nếu chúng ta quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra, bao gồm giải ngân đầu tư công, thúc đẩy các động lực tăng trưởng xuất khẩu, tiêu dùng, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực vượt khó, đồng thời tranh thủ từng thời cơ, thuận lợi…, chúng ta sẽ đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 7%” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.

Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024

ÔNG SUAN TECK KIN - GIÁM ĐỐC KHỐI NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG VÀ KINH TẾ TOÀN CẦU, TẬP ĐOÀN UOB: Doanh nghiệp tin tưởng triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam

Các nhà đầu tư nước ngoài phần lớn nhìn nhận tích cực về triển vọng của Việt Nam trong những năm tới. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đăng ký tăng 13,1%, đạt 15,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024, trong đó dòng vốn FDI thực hiện vào Việt Nam đạt 10,8 tỷ USD.

Chúng tôi vẫn lạc quan trong nửa cuối năm vì những dữ liệu FDI cho thấy, các doanh nghiệp tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang diễn ra sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Mặt khác, sự gia tăng cả dòng vốn FDI thực hiện và đăng ký sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trong nước trong các quý tới, bao gồm cả xây dựng và việc làm. Từ đó, khẳng định niềm tin và cam kết của các doanh nghiệp nước ngoài đối với Việt Nam trong làn sóng phi toàn cầu hóa, giảm rủi ro và chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay.

Để duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm, cần lưu ý những rủi ro hiện hữu, bao gồm xung đột địa chính trị làm gián đoạn thị trường hàng hóa, vận tải, năng lượng toàn cầu.

Cùng với đó là áp lực lạm phát. Lạm phát đã tăng lên trong những tháng gần đây và hướng tới mức trần mục tiêu. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến lạm phát trong 2 năm qua là chi phí thực phẩm, nhà ở, giáo dục và y tế tăng cao. Cần theo dõi các yếu tố này vì mức tăng giá thực tế của những mặt hàng này có thể nhanh hơn và lớn hơn mức được biểu thị bằng CPI.

Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024

ÔNG NGUYỄN ANH DƯƠNG - TRƯỞNG BAN NGHIÊN CỨU TỔNG HỢP (CIEM): Theo dõi chặt diễn biến lạm phát, ảnh hưởng tới tăng trưởng

Sở dĩ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo tăng trưởng GDP ở cả hai kịch bản đều cao hơn so với mức tăng trưởng mục tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP là vì tăng trưởng GDP đã có sự phục hồi tích cực qua các quý. So sánh với cùng kỳ trong giai đoạn 2020 - 2023, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2024 chỉ thấp hơn so với năm 2022.

Một trong những nguyên nhân đóng góp vào mức tăng ấn tượng của quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2024 là do các cấu phần của tổng cầu đều có tăng trưởng tương đối tích cực. Đáng chú ý, tốc độ tăng của tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản đang phục hồi dần về mức của các năm 2018 - 2019, thời điểm trước dịch Covid-19.

Dù vậy, chúng ta cũng lưu ý mức tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam vẫn chậm được cải thiện do cải cách thể chế, môi trường kinh doanh và định hướng tăng năng suất lao động chưa tương xứng với kỳ vọng và yêu cầu đặt ra.

Bên cạnh đó, Việt Nam phải thực sự cân nhắc nếu muốn mở rộng chi tiêu ngân sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi chính sách này có độ trễ và chỉ có hiệu lực trong bối cảnh tăng trưởng gặp khó khăn. Nếu chỉ tập trung nới lỏng tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng thì áp lực lạm phát sẽ gia tăng. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến lạm phát. Cùng với đó, giữ gìn dư địa tài khóa để ứng phó với các cú sốc trong tương lai.