Tinh thần Việt - Động lực quan trọng  cho tăng trưởng kinh tế
Cán cân thương mại hàng hóa suốt thời gian dài những năm gần đây duy trì trạng thái thặng dư đã hỗ trợ rất tốt, giúp nền kinh tế Việt Nam đứng vững trước áp lực từ bên ngoài. Ảnh tư liệu

Những diễn biến bên ngoài

Tại thời điểm tháng 4/2024, công cụ FEDWatch đo lường các động thái của FED ghi nhận khả năng giảm lãi suất của FED chỉ ở mức khoảng 53%. Tỷ lệ này đã giảm thấp hơn so với các dự đoán đưa ra hồi tháng 3/2024, khi tỷ lệ xác suất FED sẽ giảm lãi suất trong tháng 6 có thể là trên 60%.

Theo các nhà phân tích của Bank of America, nếu việc hạ lãi suất không bắt đầu trong tháng 6, khả năng FED tiếp tục án binh bất động trong nửa cuối năm là rất cao. Bởi lẽ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần và là giai đoạn khá nhạy cảm để bắt đầu những sự thay đổi lớn về mặt chính sách.

Lý do khiến cho FED vẫn chưa cần phải vội cho việc thực thi kế hoạch giảm lãi suất bởi các số liệu vĩ mô cho thấy kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng tốt, trong khi số liệu lạm phát thì lại vẫn ở mức cao.

Theo báo cáo Bảng lương phi nông nghiệp công bố trong tháng 4/2024, các doanh nghiệp Mỹ trong tháng 3 đã tạo thêm 303 nghìn việc làm mới, vượt xa mức dự báo, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 3,9% xuống 3,8%. Kết quả này cùng với những số liệu sản xuất và dịch vụ khả quan, cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang hoạt động tốt.

Kinh tế Việt Nam dự báo năm 2024 - 2025 sẽ tốt hơn

Theo TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế gia trưởng Ngân hàng BIDV, kinh tế thế giới và Việt Nam đang phục hồi, riêng Việt Nam dự báo năm 2024 - 2025 sẽ tốt hơn (nhìn từ các động lực tăng trưởng). Theo ông Lực, các yếu tố cơ bản có thể nhìn thấy là lạm phát tăng trong mục tiêu và lãi suất còn giảm nhẹ, khả năng huy động vốn và nguồn lực đầu tư - kinh doanh dễ dàng hơn…

Bà Anna Rathbun - Giám đốc đầu tư thuộc Công ty Dịch vụ tư vấn đầu tư Cbiz, cho biết nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ và kiên cường bất chấp những đợt tăng lãi suất đã ghi nhận trong hai năm qua. Điều này khiến giới đầu tư tin rằng, FED sẽ giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

Trong khi đó, các diễn biến mới về lạm phát tiếp tục công bố trong tháng 4 đang dần làm giảm thấp kỳ vọng hơn về khả giảm lãi suất của FED. Số liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,4% trong tháng 3 và cao hơn 3,5% so với một năm trước. CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) đã tăng 3,8% so với cùng kỳ và tăng 0,4% so với tháng 2, cao hơn dự đoán lần lượt là 3,7% và 0,3%.

Các thông tin lạm phát vẫn còn cao của Mỹ đã tác động trực tiếp đến thị trường tài chính quốc tế, cụ thể kỳ vọng về việc FED sẽ giảm lãi suất vào tháng 6 đã sụt giảm rõ rệt với xác suất chỉ còn 23%, lùi xa so với tỷ lệ 50% được thị trường đánh giá trước đó. Thậm chí, khả năng FED hạ lãi suất vào tháng 7 cũng khá thấp, chỉ với hơn 41%. Với những diễn biến mới, thị trường đã lùi dự báo về đợt giảm lãi suất lần đầu tới tận tháng 9 của FED, khi công cụ FEDWatch cho thấy xác suất giảm lãi suất vào tháng 9 đạt khoảng gần 45%.

Áp lực với thị trường tài chính trong nước

Trong khi FED chưa vội hạ lãi suất thì diễn biến lãi suất tại thị trường Việt Nam lại đang tiếp tục giảm dần. Việc này đã khiến cho khoảng cách lãi suất tiền VND càng ngày càng thấp hơn so với lãi suất của đồng USD. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam sẽ có xu hướng muốn giữ đồng USD thay vì tiền VND.

Đánh giá về diễn biến thị trường tài chính trong nước trước ảnh hưởng của các dự báo mới hành động của FED, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDirect cho biết, ngoài những thay đổi về dự báo đợt cắt giảm lãi suất điều hành sớm nhất của FED sẽ rời sang quý III thay vì kỳ vọng trước đó là vào tháng 6 thì thị trường cũng giảm kỳ vọng số đợt cắt giảm lãi suất điều hành của FED trong năm 2024 từ khoảng 3 lần về có thể chỉ 1 hoặc 2 lần. Trong khi đó, một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã cắt giảm lãi suất sớm hơn FED đã tạo áp lực khiến cho chỉ số DXY tiếp tục duy trì sức mạnh trong những tháng tới, qua đó tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá trong nước.

Với bối cảnh tài chính hiện nay, thị trường tài chính trong nước đang chịu tác động cùng lúc bởi 2 yếu tố. Một bên là sự phục hồi của nền kinh tế với các tín hiệu khá tích cực, một bên là áp lực tăng của tỷ giá có thể sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Tinh thần Việt - Động lực quan trọng  cho tăng trưởng kinh tế

Ở góc độ phục hồi của nền kinh tế, số liệu kinh tế giai đoạn đầu năm 2024 đã thể hiện rõ tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020 - 2023. Trong khi đó, lạm phát tháng 3 cũng đã hạ nhiệt mạnh, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước, so với tháng 12/2023 tăng 1,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,97%.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện tại, theo TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế gia trưởng Ngân hàng BIDV, kinh tế thế giới và Việt Nam đang phục hồi, riêng Việt Nam dự báo năm 2024 - 2025 sẽ tốt hơn (nhìn từ các động lực tăng trưởng). Theo ông Lực, các yếu tố cơ bản có thể nhìn thấy là lạm phát tăng trong mục tiêu và lãi suất còn giảm nhẹ, khả năng huy động vốn và nguồn lực đầu tư – kinh doanh dễ dàng hơn…

Trong khi đó, khó khăn đối với thị trường tài chính sẽ tồn tại, khi FED trì hoãn thời điểm việc hạ lãi suất vì trong bối cảnh Việt Nam vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và Mỹ kéo dài chính sách tiền tệ thắt chặt và việc này nếu kéo dài sẽ duy trì áp lực rút vốn của các nhà đầu tư tài chính.

Theo báo cáo tổng hợp của SSI Research, tính từ đầu năm 2024, giá trị rút ròng của các quỹ ETF ngoại ghi nhận 7.760 tỷ đồng. Tổng quy mô tài sản các quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam giảm về 76.800 tỷ đồng, so với mức đỉnh hồi tháng 8/2023 là 89.000 tỷ đồng. Hầu hết các quỹ đều ở trạng thái bán ròng trong tháng 3/2024.

Mặc dù thị trường đang đối mặt với nhiều yếu tố có thể tạo áp lực lên tỷ giá, nhưng nền kinh tế vẫn có những yếu tố có tính chất “nội lực” để chống đỡ với những khó khăn có thể xảy ra. Một trong những yếu tố nền tảng đáng chú ý là cán cân thương mại hàng hóa suốt thời gian dài những năm gần đây vẫn duy trì trạng thái thặng dư, riêng tháng 3/2024 xuất siêu 2,93 tỷ USD. Tính chung quý I/2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 4,93 tỷ USD). Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước vẫn có trong tay nguồn dự trữ ngoại hối khá mạnh có thể sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết.

Tuy nhiên trong bối cảnh này, một số chuyên gia cho rằng việc điều hành chính sách cần có các giải pháp ngắn hạn và dài hạn hợp lý. TS. Châu Đình Linh - giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, cho biết thực tế trong các nhóm hàng nhập khẩu vẫn còn có nhiều mặt hàng Việt Nam có thể tự chủ được nguồn nội địa. Do đó, chúng ta nếu biết phát huy tốt hơn nữa “tinh thần Việt”, tăng hàm lượng nội địa hóa trong nguyên liệu đầu vào thì nền kinh tế cũng có thể tiết kiệm lượng ngoại tệ khá lớn, tăng năng lực độc lập tự chủ, từ đó tăng khả năng chống đỡ của nền kinh tế đối với các yếu tố từ bên ngoài.

Đồng USD đang có xu hướng tăng ảnh hưởng đến tỷ giá trong nước

Các dự đoán về khả năng giảm lãi suất của FED có thể lùi chậm hơn đã làm cho USD tăng giá trên thị trường quốc tế, với chỉ số DXY đo lường sức mạnh USD đã vượt lên mốc 106 điểm. Chỉ số DXY tăng cho thấy USD đang có xu hướng tăng giá so với các đồng tiền của các quốc gia khác, bao gồm cả đồng VND của Việt Nam.