Thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi

Tuần qua, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 450 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 91,28%).

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, bám sát yêu cầu cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống tổ chức tín dụng theo đúng chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội. Ngày 16/1/2024, Chính phủ đã có Báo cáo số 18/BC-CP về ý kiến đối với tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.

Công khai thông tin về cổ đông lớn trên 1% vốn

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã bổ sung quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin (Điều 49), trong đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải thực hiện cung cấp thông tin, tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch.

Một trong những nội dung được tiếp thu theo ý kiến của đại biểu Quốc hội là vấn đề liên quan đến quản lý bán bảo hiểm qua ngân hàng. Theo đó, Luật đã đưa quy định về hành vi bị nghiêm cấm tổ chức tín dụng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Đồng thời, Luật cũng giao Thống đốc NHNN quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.

Xác định các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Một trong những nội dung đáng chú ý trong tuần qua là việc NHNN đã ban hành Chỉ thị 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024.

Thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, ban hành chỉ thị điều hành năm 2024
NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%. Ảnh: T.L
5 nhiệm vụ của ban chỉ đạo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng Thách thức điều hành chính sách tài khóa năm 2024

Theo đó, NHNN xác định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 bình quân khoảng 4-4,5%, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Chỉ thị 01 cũng đưa ra mục tiêu tiếp tục triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Việc tái cơ cấu.tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Việc điều hành tín dụng sẽ phụ thuộc theo diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; nghiên cứu đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng.

Chỉ thị 01 cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng; cải cách mạnh mẽ quy định, thủ tục hành chính…

Tỷ giá nhích tăng nhẹ

Tuần qua, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh đan xen một số phiên tăng và một số phiên giảm, tuy nhiên tổng mức tăng nhiều hơn so với mức giảm nên tính chung xu hướng cả tuần nhích tăng nhẹ. Theo diễn biến này, tỷ giá công bố tại ngân hàng thương mại cũng có chiều hướng nhích tăng trong tuần.

Tỷ giá trung tâm mở đầu tuần mới hôm thứ hai 15/1 được NHNN công bố ở mức 23.992 đồng/USD. Sau một số phiên điều chỉnh trong tuần, tỷ giá trung tâm hôm cuối tuần 19/1 được NHNN công bố ở mức 24.037 đồng/USD, cao hơn khoảng 45 đồng mỗi Đô la so với đầu tuần.

Trong khi đó, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank hôm thứ hai đầu tuần là 24.635 đồng/USD, đến cuối tuần ghi nhận mức 24.715 đồng/USD. Với diễn biến này, tỷ giá tại Vietcombank hôm cuối tuần đã cao hơn 80 đồng mỗi Đô la so với đầu tuần.

Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu, yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng tỷ giá giai đoạn tới, ông Tim Leelahaphan - Chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, xuất nhập khẩu đang bắt đầu phục hồi, mặc dù thương mại điện tử vẫn chưa thấy tín hiệu phục hồi rõ ràng.

Thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, ban hành chỉ thị điều hành năm 2024
Chênh lệch giá mua vào/bán ra với vàng miếng hiện khoảng 2,5 triệu đồng mỗi lượng. Ảnh: T.L

Giá vàng biến động nhúc nhích tăng

Giá vàng tuần qua vẫn ghi nhận trạng thái biến động nhẹ, nhưng xu hướng chung trong tuần có phần nhích tăng. Tại thời điểm chiều ngày 19/1, giá vàng miếng SJC 9999 ghi nhận mức mua vào 74,3 triệu đồng/lượng và 76,8 triệu đồng/lượng bán ra, theo đó giá bán ra đã tăng khoảng 800 nghìn đồng mỗi lượng so với cuối tuần trước. Trong khi đó, giá vàng nhẫn SJC 9999 mua vào là 62,6 triệu đồng/lượng và bán ra là 63,75 triệu đồng/lượng, cao hơn khoảng 400 nghìn đồng mỗi lượng so với cuối tuần trước.

Tại thị trường quốc tế, giá vàng sau khi giảm xuống đáy gần sát mốc 2.000 USD/ounce vào hôm 17/1, đã trên đà phục hồi tăng trở lại mức 2.029 USD/ounce tại thời điểm chiều ngày 19/1 theo giờ Việt Nam./.