Cả nước thu hút gần 31,4 tỷ USD vốn FDI trong 11 tháng qua. Ảnh tư liệu |
Vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục khả quan
Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hiệu quả cho các doanh nghiệp FDI. Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm nay đến hết tháng 10, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hiệu quả cho các doanh nghiệp FDI. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế của Việt Nam trong quý III, đồng thời nâng dự báo về tăng trưởng của Việt Nam trong cả năm 2024.
Theo số liệu thống kê mới đây cho thấy, với 2.450 dự án và tổng số vốn đầu tư hơn 28 tỷ Euro tính đến giữa năm 2024, châu Âu đứng vị trí thứ 6 khu vực có nhiều nhà đầu tư FDI trực tiếp vào Việt Nam. Con số này được dự báo sẽ cải thiện đáng kể khi trong báo cáo chỉ số BCI mới đây do EuroCham công bố, 69,3% doanh nghiệp châu Âu dự đoán môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ thuận lợi trong vòng 5 năm tới.
Tăng trưởng cao góp phần hút vốn FDI Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, Việt Nam tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng trưởng cao trên thế giới trong năm 2024, do môi trường đầu tư thuận lợi. Những yếu tố này khiến Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là điểm sáng hút vốn FDI thời gian tới. |
Chia sẻ với báo giới gần đây, ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nêu dẫn chứng và nhận định, 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và sẵn sàng giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư trong thời gian tới. Có đa số 55% doanh nghiệp hiện đã, đang thực hiện hoạt động mở rộng và có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Hải Minh, đây là phản ánh và kết quả khảo sát rất tích cực đối với Việt Nam.
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Việt Nam tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng trưởng cao trên thế giới trong năm 2024, do môi trường đầu tư thuận lợi. Những yếu tố này khiến Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là điểm sáng hút vốn FDI thời gian tới.
Ông Paulo Medas - Trưởng đoàn Tham vấn Điều IV, IMF nhận định, Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao nhất thế giới, xuất khẩu mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài tốt. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục chủ động ứng phó với những rủi ro từ bên ngoài; ngân hàng cần tăng cường năng lực, ổn định và lành mạnh thị trường vốn để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư bền vững.
Xây dựng lộ trình thu hút FDI
Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan, song theo các chuyên gia kinh tế, việc thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức cần giải quyết, đòi hỏi các chiến lược và chính sách hiệu quả hơn để cải thiện tình hình.
Tại một cuộc hội thảo khoa học do Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, GS. Nguyễn Thị Xuân Thuý - Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đề xuất, Việt Nam cần xây dựng bộ chỉ số FDI để tận dụng được tối đa những lợi ích từ việc thu hút FDI. Trên cơ sở đó có cơ sở dữ liệu phục vụ cho cơ quan tư vấn chính sách nhằm đánh giá tác động của nguồn vốn FDI lên nền kinh tế. Đồng thời, cần thay đổi chiến lược thu hút đầu tư, chuyển từ ưu đãi trước đầu tư sang ưu đãi sau đầu tư kết hợp với đa dạng hoá nhà đầu tư, tránh phụ thuộc quá mức vào một vài nhà đầu tư lớn.
Không những thế, theo các chuyên gia, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, tăng tính chống chịu, bền vững thông qua việc liên kết FDI với doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp xanh, chuyển đổi năng lượng; phát triển năng lực công nghệ sản xuất cơ bản để có thể phục vụ mô hình kinh tế tuần hoàn; và môi trường chính sách minh bạch, dài hạn dễ dự báo.
Trong dài hạn, Việt Nam cũng cần xây dựng một lộ trình thu hút FDI cụ thể cũng như có các chương trình cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, “câu chuyện” về đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp FDI cũng cần được tính đến.
Mới nhất, tại Nghị trường, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), trong đó, một trong những mục tiêu của việc sửa đổi luật lần này là hoàn thiện các chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư nói chung, đầu tư nước ngoài nói riêng.
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chính sách ưu đãi thu hút vốn FDI thể hiện chủ yếu ở các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế xuất nhập khẩu, ưu đãi về tiếp cận đất đai, sự thông thoáng về thủ tục hành chính. Mức thuế TNDN thấp luôn là một điểm hấp dẫn đối với doanh nghiệp.
Ưu đãi thuế giúp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh Mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Đan Mạch, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Đan Mạch như: A.P Moller-Maersk, doanh nghiệp vận tải biển, logistics hàng đầu thế giới; tham dự Hội nghị bàn tròn đối thoại với một số doanh nghiệp Đan Mạch và làm việc với Tập đoàn C.I.P, hiện đang đầu tư vào dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Sự hiện diện của các doanh nghiệp Đan Mạch tại Việt Nam ngày càng tăng, với tổng vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD. Việt Nam được xem là một thị trường đầy tiềm năng với nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn. Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã vươn mình trở thành một cứ điểm sản xuất lớn và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Kể từ năm 2017 đến nay, xuất khẩu đã tăng bình quân hơn 13%/năm, chiếm lĩnh chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các dòng vốn FDI chủ yếu đến từ Hàn Quốc, đáng chú ý nhất là của Samsung. Kể từ khi Samsung thành lập nhà máy sản xuất điện thoại đầu tiên ở tỉnh Bắc Ninh vào năm 2008 tới nay, hơn một nửa sản phẩm điện thoại thông minh toàn cầu của hãng này được sản xuất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 20 tỷ USD. Nỗ lực của những doanh nghiệp thâm nhập thị trường sớm này đã khuyến khích các tập đoàn công nghệ lớn khác đầu tư vào năng lực sản xuất của Việt Nam. Năm 2023, các công ty sản xuất Trung Quốc hàng đầu đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, với gần 20% vốn FDI đăng ký mới bắt nguồn từ Trung Quốc đại lục. Mới đây, trong một báo cáo HSBC đã nhấn mạnh rằng, sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia đối với Việt Nam tăng mạnh xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ FDI. So sánh chi phí lao động ở châu Á, mức lương nhân công sản xuất ở Việt Nam thấp hơn ở Trung Quốc và các quốc gia khác, dù người dân Việt Nam có trình độ giáo dục phổ thông vững vàng, thể hiện qua kết quả khảo sát PISA của Việt Nam ở mức cao. Theo đánh giá của HSBC, một phần nguyên nhân của môi trường đầu tư thuận lợi có thể lý giải là nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ thông qua hệ thống thuế. Việt Nam có vị thế cạnh tranh so với các quốc gia khác nhờ mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%. Một số doanh nghiệp có thể tận dụng các đợt miễn và giảm thuế kéo dài, để giảm thêm mức thuế suất thực tế phải chịu. |