![]() |
Nguồn: HĐND TP. Hà Nội Đồ họa: Văn Chung |
Quy mô nền kinh tế phải đạt 1,6 triệu tỷ đồng
Mới đây, HĐND TP. Hà Nội thông qua Nghị quyết bổ sung về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt tối thiểu 8%.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, để đạt tăng trưởng 8% trở lên thì quy mô nền kinh tế của Hà Nội năm 2025 phải đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 130.000 tỷ đồng so với năm 2024, chiếm khoảng 12,6% GDP cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt khoảng 622.700 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu tăng 7%, đạt hơn 20 tỷ USD.
HÀ NỘI ĐIỀU CHỈNH MỨC TĂNG TRƯỞNG LÊN TỐI THIỂU 8% Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, mục tiêu tăng trưởng 8% cho năm 2025 là nhiệm vụ Chính phủ giao Hà Nội tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025. Trên cơ sở đó, UBND TP. Hà Nội đã trình đề xuất điều chỉnh mức tăng trưởng từ 6,5% (theo Nghị quyết số 58/NQ-HĐND ngày 10/12/2024) lên tối thiểu 8%, thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao. |
Ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, Hà Nội sẽ tập trung vào nhiệm vụ phát huy các động lực và nguồn lực truyền thống. Về nguồn đầu tư công, Hà Nội phấn đấu giải ngân khoảng 87.000 tỷ đồng trong kế hoạch, đặc biệt tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông lớn như cầu, đường sắt đô thị; tiếp tục rà soát khoảng 200 dự án chậm triển khai.
Cùng đó, thành phố chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tư nhân nhằm đảm bảo thu hút vốn qua ngân sách nhà nước tăng trên 18%; nộp ngân sách 360.000 tỷ đồng và vốn đầu tư nước ngoài khoảng 3 tỷ USD; thành lập mới khoảng 30.000 doanh nghiệp và vốn đăng ký là trên 300.000 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng; phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 14%, giá trị ngành vận tải logistics tăng trên 7,7%; tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch mới đặc sắc để có thể tăng doanh thu du lịch trên 13%; nghiên cứu xây dựng đề án, chương trình phát triển các mô hình tăng trưởng mới.
Không những vậy, thành phố sẽ tập trung phát triển toàn diện như mở rộng không gian phát triển các động lực tăng trưởng mới, qua việc chuẩn bị đầu tư hạ tầng để từng bước hình thành thành phố phía Tây; thành phố phía Bắc sông Hồng (khởi công Tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc - Xuân Mai); đẩy nhanh tiến độ Đường cao tốc Đại lộ Thăng Long đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; Quốc lộ 6; Trục tây Thăng Long. Đồng thời, chuẩn bị đầu tư để phát triển 5 trục động lực gồm Trục sông Hồng; trục Hồ Tây - Cổ Loa; trục Nhật Tân - Nội Bài; trục Hồ Tây - Ba Vì; trục phía Nam.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm nay là mục tiêu không dễ dàng. Trong khi một số địa phương trong cả nước được giao chỉ tiêu tăng trưởng hai con số trong năm nay thì Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, vừa điều chỉnh nâng chỉ tiêu tăng trưởng lên tối thiểu 8% bởi quy mô của nền kinh tế thành phố lớn. Việc tăng GRDP lên 1% của Hà Nội rất khó so với các địa phương khác.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, thúc đẩy tăng trưởng
Để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần phải quyết liệt trong thực hiện đồng bộ các giải pháp, triển khai những dự án đầu tư công đã được phê duyệt và các dự án mới; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư; thu hút vốn đầu tư nước ngoài; phát triển kinh tế số, công nghiệp hỗ trợ…
Đặc biệt, thành phố nhanh chóng hoàn thiện tinh gọn bộ máy, hoàn thiện thể chế, tạo tiền đề cho việc cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để thực hiện các dự án nhanh hơn, đặc biệt với các dự án đầu tư công, dự án bất động sản... Sớm hoàn thiện những việc cấp bách và cần thiết trên, tăng trưởng từ 8% trở lên có thể khả thi với Thủ đô Hà Nội.
Góp ý giải pháp thúc đẩy tăng trưởng của Thủ đô trong năm 2025, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, Hà Nội cần tập trung mạnh hơn nữa vào kinh tế số, chuyển đổi số, thương mại điện tử, đổi mới sáng tạo. Năm 2024, kinh tế số và thương mại điện tử cả nước tăng trưởng tới 20%. Với vị thế hàng đầu cả nước về kinh tế số cũng như phát triển thương mại điện tử, kinh tế số sẽ là động lực quan trọng nhất để Hà Nội đạt mục tiêu tăng trưởng 8% và có thể còn cao hơn nữa.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay, Hà Nội cũng là địa phương được Chính phủ giao giải ngân vốn đầu tư công lớn. Vì vậy, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công bằng việc tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc của các dự án, đặc biệt là các dự án lớn, là một trong những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó kích thích các ngành nghề khác trong nền kinh tế phát triển.
Về phía hiệp hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội Nguyễn Vân nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn chung là 8% trong năm 2025 thì lĩnh vực công nghiệp với hàng chục nghìn doanh nghiệp có trụ sở, nhà máy trên địa bàn phải nỗ lực duy trì và phát triển hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh ổn định và các cấp chính quyền những giải pháp hết sức cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp...
Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND TP. Hà Nội) cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội cần xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cho từng đơn vị, địa phương để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên.
Nhiều đổi mới, sáng tạo trong cải cách hành chính, chuyển đổi sốUBND TP. Hà Nội vừa công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 đối với các sở, cơ quan tương đương sở; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã. Theo đó, kết quả Chỉ số CCHC năm 2024 của các sở, cơ quan tương đương sở, dẫn đầu là Sở Nội vụ, đạt 95,77%; đứng thứ hai là Văn phòng UBND thành phố, đạt 95,15%; tiếp theo lần lượt là Sở Tài chính đạt 93,15%; Sở Xây dựng đạt 90,57%; Sở Y tế đạt 90,27… Về kết quả Chỉ số CCHC năm 2024 của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn thành phố, dẫn đầu là Cục Thuế TP. Hà Nội đạt 91,52%; tiếp theo là Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội đạt 90,51%; Kho bạc Nhà nước TP. Hà Nội đạt 89,40%; Cục Hải quan TP. Hà Nội đạt 80,28%... Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông khẳng định, việc triển khai xác định chỉ số CCHC năm 2024 cơ bản đã thực hiện theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng và tiến độ thời gian. Năm 2024, thành phố có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác CCHC, chuyển đổi số. Cụ thể, thành phố đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế và tăng cường phân cấp, ủy quyền kèm quy trình giải quyết các thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đã góp phần tinh gọn bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu công tác CCHC. Theo đánh giá của giới chuyên gia, Hà Nội liên tục là địa phương đi đầu trong thực hiện chủ trương của trung ương về rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy. Thành phố tiên phong thí điểm thành công nhiều tiện ích số cho người dân như: Hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp lý lịch tư pháp trên VneID, phổ cập ứng dụng tìm kiếm và thanh toán bãi đỗ xe không tiền mặt, ứng dụng cảnh báo cháy. Đây cũng là một trong những lợi thế của thành phố trong nhóm các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./. |