Tiếp nối động thái tăng lãi suất huy động

Sau kỳ nghỉ lễ, một số ngân hàng thương mại có động thái tăng lãi suất huy động. Trong đó, ACB chính thức điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm với mức tăng 0,2% tại các kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng. Ngân hàng này cũng quy định rõ các mức tiền gửi sẽ có lãi suất tương ứng, ví dụ như: Đối với mức gửi từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, lãi suất được niêm yết với kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,2 % là 2,6%/năm, 2 tháng tăng lên 2,8%/năm, 3 tháng tăng lên 3 %/năm

Trước đó trong tháng 4, trên thị trường ngân hàng đã có một số ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, bao gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, BIDV, TPBank, VPBank, KienLong Bank…

Lãi suất huy động rục rịch tăng, áp lực từ bên ngoài giải tỏa chút ít
Lãi suất huy động tăng, nhưng chỉ là so với nền lãi suất rất thấp đầu năm 2024. Ảnh: T.L
Xây dựng Thông tư về lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam Lãi suất huy động có thể chạm đáy, nhưng chưa tăng mạnh ngay

Động thái tăng lãi suất của nhiều ngân hàng đang là tâm điểm đáng chú ý trên thị trường tiền tệ và điều đặc biệt là làn sóng đang lan rộng ra nhiều ngân hàng, chứ không chỉ ở một vài ngân hàng. Mặc dù vậy, mức tăng lãi suất hiện nay chỉ là trên nền lãi suất huy động rất thấp những tháng đầu năm 2024.

Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động sau khi đã tăng cũng chỉ ở mức phổ biến khoảng 4% với kỳ hạn 6 tháng và chỉ quanh mốc 5% với kỳ hạn 12 tháng. Mặt bằng này vẫn thấp hơn so với mặt bằng lãi suất huy động giai đoạn quý III/2023, là thời điểm sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện 4 lần giảm lãi suất điều hành hồi đầu năm 2023.

Theo đó với bối cảnh hiện tại, thị trường nếu không xuất hiện thêm các yếu tố mới có tính chất bất thường thì cũng chưa đủ gây áp lực buộc NHNN phải điều chỉnh tăng lãi suất điều hành. Ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, Việt Nam đang nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư thuận lợi. “Với kinh tế đang trên đà hồi phục, chính sách tiền tệ sẽ ít cần hỗ trợ hơn” - ông Tim nhận định.

Thủ tướng chỉ đạo điều hành thị trường tiền tệ

Ngay sau đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tiếp tục yêu cầu công khai lãi suất cho vay

Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý; thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai, minh bạch lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng cho vay có lãi suất thấp, phù hợp yêu cầu sử dụng vốn tín dụng.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.

Ngành ngân hàng cũng cần kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra bảo đảm thông suốt, gắn kết từ trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả.

Áp lực bên ngoài giải tỏa phần nào

Sau kỳ nghỉ lễ, những thông tin từ thị trường tài chính quốc tế có những diễn biến theo hướng có phần giải tỏa bớt áp lực và ảnh hưởng đối với thị trường tiền tệ trong nước.

Một trong những động thái đáng chú ý là cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) kết thúc đầu tháng 5/2024 cho kết quả việc FED vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản. Đây là kết quả đã được thị trường dự báo từ trước, nhưng một trong những thông điệp giúp thị trường tài chính toàn cầu trở nên “dễ thở” hơn là các phát biểu của FED đã phủ nhận khả năng tăng lãi suất suất.

Sau động thái này, hầu hết các chỉ số chứng khoán trên các thị trường quốc tế đều tăng điểm, còn giá vàng và chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng Đô la Mỹ thì có tín hiệu hạ nhiệt hơn.

Lãi suất huy động rục rịch tăng, áp lực từ bên ngoài giải tỏa chút ít
Giá vàng thế giới điều chỉnh giảm sau cuộc họp của FED. Ảnh: T.L

Tỷ giá và giá vàng nhẫn giảm nhẹ

Tuần qua chỉ có 2 ngày giao dịch và động thái tỷ giá cho thấy có phần hạ nhiệt khi tỷ giá trung tâm được NHNN công bố trong ngày đầu đi làm sau kỳ nghỉ là 24.242 đồng/USD, giảm 4 đồng mỗi Đô la so với ngày cuối cùng trước đợt nghỉ. Tiếp đó, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh giảm nhẹ xuống 24.241 đồng/USD vào ngày thứ sáu cuối tuần.

Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá bán ra tại Vietcombank hôm 2/5 ghi nhận là 25.454 đồng/USD, giảm 4 đồng so với hôm trước nghỉ lễ và ngân hàng này tiếp tục điều chỉnh giảm tỷ giá bán ra xuông 25.453 đồng/USD vào hôm cuối tuần.

Giá vàng nhẫn trong nước có xu hướng giảm theo xu hướng của giá thế giới, trong khi vàng miếng SJC lại vẫn neo cao. Tại buổi chiều ngày 3/5, giá vàng miếng SJC 9999 ghi nhận mức mua vào là 83,5 triệu đồng/lượng và bán ra là 85,8 triệu đồng/lượng; giá vàng nhẫn SJC 9999 mua vào là 73,1 triệu đồng/lượng và bán ra là 74,8 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường thế giới, giá vàng đã có những nhịp giảm sau phiên họp của FED và nhiều lần rớt xuống dưới ngưỡng 2.300 USD/ounce. Tại thời điểm chiều ngày 3/5 theo giờ Việt Nam, giá vàng ghi nhận mức 2.298 USD/uonce.

Sàn đấu thầu vàng vẫn ế khách

Phiên đấu thầu vàng hôm 3/5 phải hủy thầu do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu. Như vậy kể từ khi tái khởi động đợt đấu thầu vàng miếng SJC, NHNN mới tổ chức thành công 1 phiếu đầu thầu vàng duy nhất hôm 23/4. Với 3.400 lượng vàng được bán ra trong phiên này, tổng khối lượng trúng thầu cũng chỉ đạt khoảng 20% tổng khối lượng vàng đưa ra đấu thầu.