![]() |
Nguồn: TBTCVN tổng hợp |
Lô trái phiếu phát hành bởi Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình - Xuân Mai tạo dấu ấn trên thị trường trái phiếu khi phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 875,1 tỷ đồng với kỳ hạn 20 năm, dài nhất trong lịch sử ngành. Trong khi đó, lãi suất cố định ở mức 5,75%/năm, thấp hơn so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp cùng ngành.
Điểm ưu việt của trái phiếu xanh
Số tiền huy động được sử dụng đầu tư vào giai đoạn 1A của Nhà máy nước Hòa Bình - Xuân Mai dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Khi dự án hoàn thành, dòng nước sạch từ sông Đà sẽ tuôn trào, cung cấp nước sạch cho tỉnh Hòa Bình và TP. Hà Nội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Triển vọng tích cực thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt NamMặc dù quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững của Việt Nam còn nhỏ so với Thái Lan (5%) Malaysia (10%) và Philippines (20%), nhưng tốc độ tăng trưởng ấn tượng cho thấy triển vọng tích cực của lĩnh vực này. Đặc biệt, cơ cấu huy động vốn cũng chuyển dịch từ lĩnh vực tài chính ngân hàng sang sự tham gia sôi nổi của các doanh nghiệp trong các ngành như năng lượng tái tạo, thủy sản bền vững và hạ tầng. |
Điểm đáng chú ý là lô trái phiếu do công ty này phát hành xếp hạng AAA, tức có mức độ tín nhiệm cao nhất, phản ánh khả năng đáp ứng nghĩa vụ tài chính cực kỳ mạnh mẽ của tổ chức phát hành và rủi ro vỡ nợ thấp nhất, tương ứng bước nhảy vọt 11 bậc so với mức điểm xếp hạng tín nhiệm của tổ chức phát hành (“BB” phản ánh các rủi ro trong quá trình xây dựng, phát triển dự án và rủi ro vận hành nhà máy nước).
Sở dĩ lô trái phiếu này được gắn mác tín nhiệm cao nhất do được bảo lãnh bởi GuarantCo, một tổ chức quốc tế chuyên về bảo lãnh tín dụng thuộc Tập đoàn PIDG với sự đóng góp của nhiều nhà tài trợ đến từ 7 quốc gia và nhóm Ngân hàng Thế giới, với cơ chế bảo lãnh thanh toán toàn phần, vô điều kiện và không hủy ngang.
Tiếp đà sôi động năm vừa qua, thị trường trái phiếu xanh, xã hội và bền vững của Việt Nam năm 2025 được kỳ vọng sẽ có những bước tiến đáng kể, nhờ vào việc hoàn thiện khung pháp lý và sự gia tăng nhu cầu từ các nhà đầu tư. Các sản phẩm mới được kỳ vọng sẽ xuất hiện, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của thị trường này, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và trung hòa carbon của quốc gia.
Trước đó, năm 2024, thị trường trái phiếu xanh ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, với việc phát hành 5 lô trái phiếu dựa trên nguyên tắc xanh quốc tế và được xác nhận độc lập bởi các tổ chức uy tín quốc tế, trước và sau phát hành, đảm bảo minh bạch và chống “rửa xanh”, trong đó, có lô trái phiếu của Công ty TNHH Nước Sạch Hòa Bình - Xuân Mai. Tổng giá trị phát hành 9,87 nghìn tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ, song chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn khoảng 2% tổng giá trị phát hành trong năm.
Trong số đó, các ngân hàng như: BIDV, Vietcombank và HDBank, tiếp tục tiên phong khuấy động thị trường trái phiếu xanh (giá trị phát hành 8.000 tỷ đồng), cùng sự gia nhập của các doanh nghiệp phi tài chính như: Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I và Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình - Xuân Mai (tổng giá trị phát hành 1.875 tỷ đồng và đều được bảo lãnh thanh toán).
Các lô trái phiếu xanh gần đây cũng thu hút sự chú ý đáng kể từ các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp như: Eastspring Việt Nam, AIA và Manulife. Điều này không chỉ phản ánh niềm tin vào tiềm năng của các dự án xanh, mà còn thúc đẩy việc áp dụng các chuẩn mực đầu tư có trách nhiệm tại thị trường Việt Nam.
Gỡ rào cản, thông dòng vốn xanh
Tuy có nhiều tiềm năng phát triển, thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Theo đánh giá của đại diện Vụ Các định chế tài chính (Bộ Tài chính), mặc dù khung pháp lý về cơ bản được thiết lập, các tiêu chí phân loại dự án xanh vẫn chưa được hoàn thiện, dẫn đến khó khăn trong việc xác định tính hợp lệ của các dự án. Các tổ chức phát hành đôi khi không rõ ràng về những tiêu chí cụ thể để xác định một dự án là “xanh”. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc phát hành mà còn làm giảm sự tin tưởng từ phía nhà đầu tư.
Nhận thức của doanh nghiệp và nhà đầu tư về trái phiếu xanh còn hạn chế, có tâm lý ưu tiên các sản phẩm tài chính truyền thống hơn là các công cụ mới như trái phiếu xanh, dẫn đến sự dè dặt khi tham gia. Ngoài ra, chi phí phát hành trái phiếu xanh còn cao và quy trình kiểm định nghiêm ngặt, quá trình lập kế hoạch và triển khai thực hiện thường kéo dài nhiều năm, làm giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh, đặc biệt của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, chưa tự chủ trong việc phát triển các nguồn vốn trong nước cho các dự án xanh.
Để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam, cần triển khai một chiến lược toàn diện với các giải pháp nhằm tăng cường tính minh bạch, nâng cao năng lực giám sát và thúc đẩy phát triển bền vững.
Hoàn thiện khung pháp lý là ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định về tiêu chí môi trường và quy trình xác nhận đối với các dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh hoặc phát hành trái phiếu xanh. Quyết định này sẽ giúp doanh nghiệp hưởng các ưu đãi của Nhà nước khi phát hành và đầu tư trái phiếu xanh, đồng thời ngăn chặn tình trạng "tẩy xanh" dự án.
Ông Prasenjit Chakravarti - Giám đốc Khối chiến lược Ngân hàng Techcombank: Quản lý chặt chẽ, hướng nguồn vốn xanh đúng đích Thị trường tài chính xanh, tín dụng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam hiện thu hút sự quan tâm rất lớn của các đối tác quốc tế và nhiều lô trái phiếu xanh phát hành thành công trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, mức độ hiểu biết và quan tâm đến trái phiếu xanh chưa cao. Tuy thị trường tài chính xanh ở Việt Nam có bước tiến rõ rệt, nhiều dấu hiệu khởi sắc năm vừa qua nhưng quy mô hiện tại vẫn còn tương đối hạn chế, chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Thời gian tới, Techcombank sẽ thực hiện các đợt phát hành trái phiếu xanh để tài trợ cho các dự án của khách hàng có cam kết và đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, đáp ứng tiêu chí quy định về dự án đủ điều kiện trong khung trái phiếu xanh của Techcombank. Hồ sơ khách hàng và các kết quả nhận diện dự án xanh, kết quả sàng lọc và phân loại rủi ro được đánh giá độc lập bởi các chuyên gia có chuyên môn tại khối quản trị rủi ro của ngân hàng. Dự án tiếp tục được thực hiện đánh giá định kỳ, nhằm đảm bảo dự án tuân thủ các cam kết về tín dụng, trong đó có các cam kết về rủi ro môi trường xã hội. Techcombank cũng theo dõi và quản lý chặt chẽ nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu và thiết lập báo cáo mục đích sử dụng vốn của trái phiếu xanh đã phát hành. |
Ông Thomas Jacobs - Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, Lào và Campuchia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC): Ngân hàng mở rộng thị trường vốn, sớm đạt mục tiêu khí hậu Mở rộng thị trường vốn có thể tạo ra một môi trường tài chính mạnh mẽ và linh hoạt hơn, điều này rất quan trọng để đạt các mục tiêu khí hậu và bền vững của Việt Nam. Trong trường hợp thiếu các quy định, các ngân hàng nên thiết lập khung hệ thống riêng phù hợp với thông lệ quốc tế, bao gồm các chính sách, hướng dẫn, quy trình và quản trị vào thực tiễn đầu tư và quản lý rủi ro. Việc đa dạng hóa các công cụ tài chính giúp các ngân hàng huy động vốn mới và phân tán rủi ro liên quan đến tài trợ cho các dự án, trái phiếu xanh lam (blue bonds) là một ví dụ điển hình. Đây là loại trái phiếu được phát hành để huy động vốn cho các dự án có lợi cho đại dương và bảo vệ hoặc quản lý tài nguyên nước. Điều này đặc biệt phù hợp với Việt Nam, quốc gia có đường bờ biển dài, tài nguyên biển phong phú và tiềm năng cho năng lượng gió. Cơ hội đầu tư lên đến 90 tỷ USD vào nền kinh tế xanh lam tại các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam. Chúng tôi hợp tác với SeABank để phát triển khung trái phiếu và phát hành trái phiếu xanh lam đầu tiên của Việt Nam và đang thực hiện quá trình hợp tác tương tự với các đối tác, ngân hàng khác./. |