Cần có chính sách phù hợp để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển
Phát triển kinh tế tư nhân - động lực đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới. Ảnh minh họa

Phân nhóm doanh nghiệp để quản lý

Chia sẻ quan điểm về phát triển kinh tế tư nhân, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, việc Đảng, Chính phủ coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế là một đột phá về tư duy. Khi coi đây là động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế thì giải pháp cần phải đẩy nhanh chính là hoàn thiện thể chế, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh.

Các chính sách, chiến lược cần lấy khu vực tư nhân làm trọng tâm

PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, thái độ và tầm nhìn của nhà nước đối với khu vực tư nhân sẽ quyết định chính sách, giải pháp phát triển. Ông nhấn mạnh: “Nếu đã lựa chọn kinh tế thị trường và xác định kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ đạo thì các chính sách, chiến lược phát triển cũng phải lấy khu vực này làm trọng tâm”.

Vì vậy, trước hết, ông rất mong muốn nghị quyết thay Nghị quyết 10/NQ-TW năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân sớm được ban hành. Theo yêu cầu Tổng Bí thư Tô Lâm, phấn đấu trong tháng 4 sẽ ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 10. Hiện Bộ Tài chính đã hoàn thiện đề án Phát triển kinh tế tư nhân để trình Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 4 này. Theo ông Lực, đây là một đột phá, bởi vì chưa bao giờ một nghị quyết lại được ban hành nhanh như vậy, chỉ trong khoảng thời gian 2 tháng.

Về đột phá thể chế, môi trường kinh doanh, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh tới yêu cầu cần phải sớm sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017. Trong đó, cần lưu ý vấn đề thuế đối với khu vực doanh nghiệp này.

Đặc biệt, trong việc sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc Luật Doanh nghiệp sắp tới, phải thực hiện phân nhóm doanh nghiệp để quản lý - đây chính là điểm đột phá. Cần phân loại doanh nghiệp để có chính sách quản lý phù hợp theo quy mô và tính chất hoạt động, tức là doanh nghiệp lớn sẽ quản lý một kiểu, doanh nghiệp trung bình quản lý một kiểu, doanh nghiệp nhỏ quản lý một kiểu. Chính sách và cơ chế hỗ trợ phải khác nhau cho doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, tránh áp dụng chung một khung quản lý cho tất cả. Hiện tại, tất cả doanh nghiệp đều có chung thủ tục, quy trình giống hệt nhau, dẫn tới không hiệu quả.

“Một cái vung mà úp ra 3 nồi thì không đúng. Nồi nào phải vung đấy. Tức là doanh nghiệp siêu nhỏ, phải thiết chế cách thức quản lý riêng, mẫu báo cáo riêng, tài chính riêng. Doanh nghiệp trung bình với doanh nghiệp lớn quản lý kiểu khác” - ông Lực nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần phải sớm hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt cơ chế thử nghiệm sandbox để làm những cái mới. “Chúng ta cứ nói số hóa, xanh hóa, kinh doanh tuần hoàn… Nhưng cơ chế chính sách chậm ban hành, danh mục phân loại xanh chưa có. Cho nên tín dụng xanh, tài chính xanh không phát triển được” - ông nói.

Không hỗ trợ theo kiểu “cào bằng”

Theo TS. Cấn Văn Lực, chiến lược phát triển kinh tế tư nhân cần phải làm rõ vai trò của nhà nước, thị trường và doanh nghiệp. “Chúng ta không hỗ trợ doanh nghiệp theo kiểu cào bằng. Cào bằng nghĩa là theo quy mô, cực kỳ nguy hiểm”- ông nhấn mạnh.

Phân tích rõ hơn điều này, vị kinh tế trưởng của BIDV cho biết, có nhiều doanh nghiệp rất lớn nhưng làm ăn không hiệu quả, đóng góp không được bao nhiêu nên không thể hỗ trợ theo quy mô doanh nghiệp. Ông kiến nghị, hỗ trợ doanh nghiệp theo mức độ đóng góp của doanh nghiệp đó cho đất nước, cụ thể là đóng góp cho ngân sách, việc làm và xã hội. Đóng góp nhiều thì được hỗ trợ nhiều, điều này sẽ đảm bảo sự công bằng và hiệu quả. Thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp theo mức độ đóng góp cũng chính là hướng kiến nghị của Ngân hàng thế giới khi tổng kết 108 quốc gia về thoát bẫy thu nhập trung bình.

Còn theo TS. Nguyễn Quốc Việt - Chuyên gia chính sách công (Đại học Quốc gia Hà Nội), các chính sách hỗ trợ nên trọng tâm, trọng điểm, tránh việc “rải mành mành”. Nếu không trọng tâm, trọng điểm sẽ dễ dẫn đến giàn trải, không tạo ra sức mạnh tổng thể và sẽ không tạo ra sự đột phá của các đối tượng được trợ giúp một cách trực tiếp.

Thêm khuyến nghị trong vấn đề hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, TS. Cấn Văn Lực lưu ý, cần phải hết sức quan tâm đến 3 quyền của doanh nghiệp mà Tổng Bí Thư Tô Lâm đã “chốt” lại. Một là quyền sở hữu tài sản. Hai là quyền tự do kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Ba là quyền cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng như các lực lượng doanh nghiệp khác. Đây là 3 quyền cực kỳ quan trọng, cho phép doanh nghiệp “lớn” lên, tiếp cận các chương trình lớn, dự án lớn, trọng điểm quốc gia.

Đồng thời, phải cải cách, kiến tạo một nền hành chính phục vụ doanh nghiệp, phụng sự đất nước, như trong 7 giải pháp mà Tổng Bí thư đã chỉ ra. Tức là đội ngũ công vụ phải có thái độ phục vụ, kỹ năng, trình độ “tinh nhuệ” hơn, không thể dùng cách quản lý như cũ.

Bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết

Theo các chuyên gia, môi trường kinh doanh là yếu tố quan trọng bậc nhất trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Ngày 25/3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 10 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Chỉ thị, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế). Trong năm nay 2025, phải cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Chỉ thị nhấn mạnh việc chuyển mạnh quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Chuyên gia chính sách công của Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải đảm bảo tính minh bạch và công khai trong quá trình thực hiện các chính sách. Các doanh nghiệp cần được hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu về các quy trình, thủ tục liên quan.

Nhà nước cần xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp, xử lý lừa đảo, chiếm dụng tài sản và phá sản một cách công bằng, minh bạch để tạo niềm tin cho doanh nghiệp khi tham gia thị trường. Giảm chi phí giao dịch trong kinh doanh là yếu tố quan trọng hơn so với việc giảm chi phí tuân thủ, vì điều này giúp doanh nghiệp tập trung hơn vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh và mở rộng quy mô thị trường.

“Thúc đẩy kinh tế tư nhân là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi các chính sách được thực hiện nhất quán, rõ ràng và công khai, khi môi trường kinh doanh được cải thiện và các doanh nghiệp tư nhân được trao cơ hội bình đẳng để phát triển, thì kinh tế tư nhân chắc chắn sẽ trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước” - TS. Nguyễn Quốc Việt khẳng định