![]() |
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đồ họa: Phương Anh |
5 mặt hàng có thặng dư thương mại cao
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) tháng 3/2025 của Việt Nam ước đạt 6,14 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 3 tháng đầu năm 2025 đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 8,53 tỷ USD, tăng 12,2%; giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 131,3 triệu USD, tăng 18,5%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 2,29 tỷ USD, tăng 18,1%; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 4,21 tỷ USD, tăng 11,2%; giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 549,5 triệu USD, tăng 19,6%; giá trị xuất khẩu muối đạt 2,3 triệu USD, tăng 2,4 lần.
Châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam Xét theo vùng lãnh thổ, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam với thị phần chiếm 42%; tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 22,5% và 16,6%. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2025 sang khu vực châu Á tăng 2%; châu Mỹ tăng 15,7%; châu Âu tăng 37,8%; châu Phi tăng 2,1 lần và châu Đại Dương tăng 0,8%. |
Hoa Kỳ với thị phần 20,2%, Trung Quốc với thị phần 17,3% và Nhật Bản với thị phần 7,7% - là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu NLTS của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Hoa Kỳ tăng 13,5%, Trung Quốc tăng 3,6%, và Nhật Bản tăng 26%.
Cán cân thương mại ngành NLTS 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt thặng dư 4,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có cán cân thương mại 3 tháng đầu năm 2025 ở trạng thái thặng dư. Cụ thể, nhóm lâm sản ước đạt thặng dư 3,54 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2024; nhóm thủy sản thặng dư 1,51 tỷ USD, tăng 14,1%; nhóm nông sản thặng dư 1,48 tỷ USD, tăng 16,9%. Trong khi đó, cán cân thương mại 3 nhóm hàng còn lại ở trạng thái thâm hụt: nhóm đầu vào sản xuất thâm hụt 1,21 tỷ USD, giảm 4,7%; sản phẩm chăn nuôi thâm hụt 905,7 triệu USD, tăng 37%; muối thâm hụt 4,6 triệu USD, giảm 2,5%.
Xét theo mặt hàng cụ thể, 5 mặt hàng có thặng dư thương mại ước tính 3 tháng cao nhất gồm: gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 3,29 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; cà phê thặng dư 2,79 tỷ USD, tăng 48,3%; tôm thặng dư 792,6 triệu USD, tăng 36%; hàng rau quả thặng dư 541,3 triệu USD, giảm 31,4%; gạo thặng dư 454,7 triệu USD, giảm 49,5%. Đây là mặt hàng “át chủ bài” giúp kim ngạch NLTS tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua. Xuất khẩu các mặt hàng này ghi nhận những tín hiệu tích cực nhờ vào nhu cầu tăng cao từ thị trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến đánh giá kết quả xuất khẩu NLTS quý I là nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức của ngành Nông nghiệp trong thời gian qua, cũng là tiền đề để ngành đạt kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 70 tỷ USD trong năm nay.
Kiến tạo không gian phát triển
Mặc dù kết quả xuất khẩu NLTS đạt kết quả khởi sắc, nhưng được dự báo vẫn đối mặt với một số thách thức lớn như thị trường quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều biến động, đặc biệt là những rào cản thương mại ngày càng gia tăng từ các nước nhập khẩu. Ví dụ, những thay đổi của thế giới như chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ hay châu Âu (EU) tăng cường kiểm tra dư lượng asen vô cơ, ngành thuỷ sản Việt Nam sẽ đối mặt với khó khăn…
Để tiếp tục vượt qua các thách thức của thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu NLTS trong bối cảnh này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành NN&MT sẽ kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng ngành; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
“Bộ sẽ chỉ đạo rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật của từng lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Trong đó, tập trung đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu cũng như xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các nhóm sản phẩm mới, chủ lực” - ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ NN&MT tiếp tục đẩy mạnh công nghệ chế biến để đa dạng và nâng cao giá trị các sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tích cực triển khai chủ động, hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại đối với những thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu... và mở cửa thị trường mới, đặc biệt là các thị trường còn nhiềm tiềm năng như Halal, Trung Đông, châu Mỹ…
Về phía Bộ Công thương, Bộ này cũng khẳng định sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo biến động thị trường thế giới, tập trung thu thập thông tin về chiến lược sản xuất, xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, tận dụng các yếu tố thuận lợi để củng cố, mở rộng vị thế của nhóm NLTS Việt Nam trong bối cảnh tình hình mới.
Thủy sản Việt chủ động thích ứng quy định asen tại EU TS. Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết, vừa qua, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được Thông báo số G/SPS/N/EU/825 từ Ban Thư ký Ủy ban SPS, Tổ chức Thương mại thế giới về việc Cơ quan An toàn thực phẩm Liên minh châu Âu (EU) dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy định (EU) số 2023/915 thiết lập mức dư lượng tối đa asen vô cơ trong cá và các loại thủy sản khác. EU dự kiến ban hành quy định mới về mức dư lượng tối đa asen vô cơ trong cá và thủy sản từ 0,05 - 1,5 ppm, có hiệu lực từ tháng 7/2025. TS. Ngô Xuân Nam nhấn mạnh, nhiều năm vừa qua Việt Nam không phát hiện nhiễm asen vô cơ trong thủy sản nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta chủ quan. Chủ động thích ứng với biện pháp SPS của thị trường nhập khẩu nói chung và EU nói riêng là giải pháp được các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh triển khai thực hiện. Cụ thể, Văn phòng SPS Việt Nam đã kịp thời cập nhật thông tin đến các cơ quan, đơn vị, hiệp hội ngành hàng liên quan. Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã chỉ đạo triển khai chương trình quan trắc, giám sát chất lượng môi trường nước, môi trường trầm tích các vùng nuôi để kiểm soát chặt chẽ hàm lượng asen vô cơ trong nước bởi vì ô nhiễm asen vô cơ gần như chưa phát hiện trong quá trình chế biến mà chủ yếu nằm ở vùng nuôi, chất lượng môi trường nước. Do đó, việc kiểm soát chất lượng môi trường nước nuôi trồng thủy sản ở các vùng nuôi là hết sức quan trọng. Về phía các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản Việt Nam cũng đang tăng cường kiểm tra, giám sát hàm lượng asen vô cơ đối với nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, đầu tư công nghệ và quy trình sản xuất tiên tiến để đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của thị trường EU. |