Việt Nam - một địa điểm đáng mơ ước để kinh doanh
Việt Nam có những cơ hội phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh tư liệu

PV: Bà đánh giá như thế nào về lợi thế của thị trường Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực khi Việt Nam có một mạng lưới các FTA dày đặc?

Việt Nam - một địa điểm đáng mơ ước để kinh doanh

Bà Deborah Elms: Một trong những lý do tại sao tôi ở lại châu Á lâu như vậy là vì, đây là một khu vực “táo bạo” về hội nhập, mở cửa và ký kết các FTA. Đó là sự phản ánh của tâm huyết trong việc giữ cho các tuyến thương mại quốc tế luôn mở cửa.

Tôi nghĩ rằng, Việt Nam đã nhanh nhạy khi bắt đầu con đường này sớm hơn một số nước láng giềng. Việt Nam có tất cả các loại FTA thông qua ASEAN, thông qua tư cách thành viên trong ASEAN, mở rộng tới các thỏa thuận hội nhập khu vực. Nhưng Việt Nam cũng đã đầy tham vọng trong việc ký kết các thỏa thuận chất lượng cao như Hiệp định Đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và cũng đồng ý rất sớm để ký một thỏa thuận với Liên minh châu Âu là EVFTA.

CPTPP và EVFTA là những hiệp định khó khăn đối với Việt Nam khi đã có những khoảng cách rất lớn vào thời điểm đàm phán, đặc biệt là về phát triển kinh tế, năng lực nhà nước, lợi ích kinh doanh... Nhưng Chính phủ Việt Nam đã mạnh dạn nhận ra rằng, nếu muốn ở cùng với các thị trường lớn, muốn thúc đẩy các cải cách giúp kinh doanh dễ dàng hơn trong nước, thì đây là một con đường để thực hiện điều đó.

Việc tham gia các FTA của Việt Nam không chỉ là tham gia ký kết, bởi vì rất nhiều chính phủ cũng ký kết các hiệp định, nhưng Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận có ý nghĩa và quan trọng là Việt Nam đã thực hiện các thỏa thuận đó như dự định.

Tôi nghĩ rằng, chính sự kết hợp giữa việc ký kết các FTA, cộng với nỗ lực hiện thực hóa các hiệp định này đã dẫn đến những kết quả tích cực mà chúng ta thấy từ Việt Nam.

PV: Quan sát đặc điểm của kinh tế Việt Nam, theo bà, lĩnh vực nào có lợi thế cao để tận dụng các FTA này? Và điều đó có ý nghĩa gì đối với cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, có khả năng đầu tư thêm vào Việt Nam?

Bà Deborah Elms: Bất cứ khi nào một FTA đưa mức thuế quan xuống, ví dụ về 0, thì đó là một cơ hội lớn, bởi vì không giống như các đối thủ cạnh tranh đang phải đối mặt với các rào cản thuế quan cao vào một thị trường, Việt Nam với tư cách là đối tác FTA được hưởng mức gần như bằng 0.

Tôi cho rằng, có những cơ hội thực sự để Việt Nam phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng không chỉ là các sản phẩm nông nghiệp cơ bản, mà còn là việc tiến cao hơn trong chuỗi giá trị ngành thực phẩm để sản xuất thực phẩm chế biến hoặc thực phẩm đông lạnh hoặc các loại sản phẩm thực phẩm chất lượng cao.

Đó là một cơ hội quan trọng cho Việt Nam nói chung và điều này đúng trong hầu hết các FTA của Việt Nam, đặc biệt là CPTPP và EVFTA, mở ra cơ hội cho ngành Nông nghiệp. Nhưng không chỉ là nông nghiệp, Việt Nam đã đàm phán một cách hợp lý để có mức thuế thấp hơn nhiều đối với ngành hàng điện tử. Chúng ta có thể thấy sự “đền đáp” của các lợi thế này ở việc nhà đầu tư quốc tế liên tục mở rộng lĩnh vực điện tử tại Việt Nam. Tôi nghĩ một phần trong đó là do thuế quan thấp ở những nhóm ngành này.

Nhưng cũng có những ngành như dệt may, trang phục và giày dép thường có thuế quan rất cao, Việt Nam vẫn có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong việc tiếp cận các khu vực được bảo vệ của thị trường để buôn bán hàng hóa. Ví dụ, Chính phủ Úc có mức thuế nhập khẩu đối với đồ bơi cho nam và nữ khoảng 9,5%. Nhưng theo FTA của Việt Nam với Úc, mức thuế đó đã giảm xuống 0%. Đó là thị trường đồ bơi mà Việt Nam có thể bán sang Úc với mức giá mà các đối thủ cạnh tranh khác khó có thể đáp ứng được.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận dịch vụ và đầu tư của Việt Nam ở các thị trường khác cũng rất quan trọng. Với mạng lưới FTA dày đặc, Việt Nam có cơ hội tiếp cận các dịch vụ ở các thị trường tăng trưởng quan trọng, mang lại lợi ích lớn cho các doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam.

PV: Bà có lời khuyên nào dành cho các nhà đầu tư FDI khi muốn tham gia vào thị trường Việt Nam, thưa bà?

Bà Deborah Elms: Rõ ràng Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút dòng vốn FDI trong suốt một thời gian dài và tôi tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục, thậm chí có thể sẽ tăng tốc trong thời gian tới.

Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng cơ cấu nhà đầu tư có thể đang dần thay đổi. Nếu chúng ta nhìn vào những biến động tại các thị trường lớn - ai đang mua, ai đang bán và mức độ thuận lợi khi thực hiện các giao dịch xuyên biên giới - khi những yếu tố này thay đổi, thị trường nhà đầu tư cũng có khả năng thay đổi theo. Điều này đòi hỏi chúng ta phải xem xét và thúc đẩy các mối quan hệ với những nhà đầu tư nước ngoài mà trước đây có thể chưa được xây dựng chặt chẽ, nhưng hiện tại lại cần được tạo điều kiện và phát triển hơn.

Trong thời gian tới, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hơn các hoạt động thương mại nội khối trong khu vực châu Á - tức là sản xuất và tiêu thụ ngay trong châu Á, thay vì tập trung xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ hay châu Âu. Điều này có thể thu hút một nhóm nhà đầu tư hoàn toàn khác - những nhà đầu tư quan tâm đến việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mang tính địa phương hóa, phù hợp hơn với nhu cầu của từng thị trường châu Á cụ thể.

Tôi cho rằng, việc suy nghĩ thấu đáo hơn về những "điểm nóng" cơ hội này sẽ rất quan trọng, không chỉ đối với các nhà đầu tư mà còn cho chính các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm những thị trường đầu ra phù hợp.

PV: Xin cảm ơn bà!

Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng

“Tôi rất mong rằng trong 5 hay 10 năm tới, tôi sẽ có thể nói rằng Việt Nam đã tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng và thậm chí đã vươn lên trở thành một nền kinh tế phát triển. Tôi không cho rằng điều đó là quá xa vời. Tôi thực sự đặt nhiều kỳ vọng vào Việt Nam” - bà Deborah Elms nhấn mạnh.