Sáng 10/4, Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Chính sách chiến lược Trung ương và Ủy Ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã tổ chức hội thảo quốc gia thường niên quy mô lớn về Kinh tế Việt Nam năm 2024 và Triển vọng năm 2025. Đồng thời, hội thảo cũng công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2024 của Đại học Kinh tế Quốc dân với chủ đề: “Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới”.
Thể chế kinh tế còn nhiều dư địa để cải cách
Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2024 có thể coi là một năm sôi động của kinh tế trong nước với nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ. Khu vực kinh tế thực cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, nền tảng còn chưa vững chắc khi năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực. Khu vực FDI tiếp tục lấn át khu vực trong nước với 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và 63,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, nhưng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế còn chưa tương xứng. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nội địa còn khó khăn.
![]() |
GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại hội thảo. |
Như vậy, mục tiêu tăng trưởng ở mức 8% trong năm 2025 và cao hơn trong các năm tiếp theo là đầy thử thách. Để đạt mục tiêu này, bên cạnh việc phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống thì việc xây dựng một hệ thống thể chế kinh tế và thể chế chính trị phù hợp là hết sức quan trọng.
“Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam xem xét, đánh giá thể chế kinh tế thị trường của mình nhằm chuẩn bị tốt cho giai đoạn chuyển sang nhóm thu nhập trung bình cao vào năm 2030, hướng đến trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Nhìn tổng thể, thể chế kinh tế của Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa cải cách, để thực sự trở thành bệ đỡ cho giai đoạn phát triển tiếp theo”, GS.TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.
Trình bày tóm tắt về Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2024, GS.TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân đã chỉ ra một số hạn chế về thể chế kinh tế của Việt Nam đang cản trở đà tăng trưởng kinh tế.
Đó là nhiều vấn đề lớn cần phải giải quyết liên quan đến việc đảm bảo quyền sở hữu, chất lượng của hệ thống pháp luật kinh tế, các rào cản gia nhập thị trường, sự bình đẳng của các thành phần kinh tế trong hoạt động kinh doanh, khiếm khuyết pháp lý trong các văn bản pháp luật về rút lui khỏi thị trường.
Về hệ thống pháp luật bộ máy nhà nước, những hạn chế có thể kể đến là: chưa bảo đảm đầy đủ nguyên tắc pháp quyền mà trọng tâm là giới hạn, kiểm soát quyền lực của Nhà nước, nhằm phát huy dân chủ, hạn chế đến mức cao nhất có thể tình trạng lạm quyền, lộng quyền, góp phần quan trọng vào việc chống tiêu cực, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Việc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp có mặt còn chưa thực sự hợp lý. Tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, pháp luật về phân cấp, phân quyền trong hành chính nhà nước chưa đồng bộ; chất lượng giải trình của cơ quan nhà nước còn thấp.
Cơ hội lớn để thành công
![]() |
Các chuyên gia tham gia thảo luận tại hội thảo sáng 10/4. |
Với mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, các chuyên gia chỉ ra, cải cách thể chế kinh tế phải đi trước một bước. Thể chế kinh tế của Việt Nam cần phải được xây dựng sao cho mọi người dân và doanh nghiệp hứng khởi đổi mới sáng tạo, khai thác tiềm năng của quốc gia và thời đại, để vươn ra bên ngoài; phân quyền đến từng cán bộ, công chức, viên chức sao cho mọi người yên tâm dám quyết định, dám chịu chịu trách nhiệm vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp và đất nước.
Nếu cụ thể hóa bằng các con số có tính so sánh quốc tế, thì những cải cách thể chế kinh tế cần phải làm thế nào để điểm số và thứ hạng chỉ số tổng hợp cũng như chỉ số thành phần về tự do kinh tế của Việt Nam trong những năm tới ở mức tương đương hoặc cao hơn mức trung bình của các nước có thu nhập cao, GS.TS Tô Trung Thành đề nghị.
“Chúng ta đã có nhiều cột mốc quan trọng, nhưng quan trọng nhất là nhìn nhận được chính mình, đánh giá đúng năng lực thực sự của mình thì mới có thể thay đổi được”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh. |
Thảo luận tại hội thảo, các chuyên gia đều nhấn mạnh thời điểm quan trọng, mang tính cách mạng của năm 2025 sau khi có những chuyển đổi mạnh mẽ về tư duy, tầm nhìn chiến lược đối với sự phát triển kinh tế.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bên cạnh những kết quả tích cực của nền kinh tế năm 2024 thì dấu ấn quan trọng trong năm đó là chúng ta đã nhìn nhận thẳng thắn về điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế, quyết liệt thực hiện việc cải cách, tinh gọn bộ máy. Và đặc biệt sau đó, vai trò của kinh tế tư nhân đã được công nhận, được định vị lại là động lực tăng trưởng quan trọng nhất, để từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp.
PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển đánh giá, chưa có giai đoạn nào trong lịch sử mà những cải cách, đổi mới lại diễn ra đồng thời, đồng bộ như vậy. Điều này là sự khác biệt so với những lần cải cách trước đây, khi chúng ta chưa có sự tổng chỉ huy để thực hiện một cách hệ thống. “Đây là một chỉ báo cho thấy chúng ta có cơ hội lớn để thành công”, ông nhận định.
Suốt 40 năm đổi mới, theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, chúng ta làm theo một cách, với một kết quả vừa phải. Nhưng chỉ trong vài tháng qua, những cải cách được tiến hành đồng bộ, hệ thống lại cả không gian phát triển của đất nước. Ông kỳ vọng quá trình này sẽ đưa tất cả vào một bước chuyển đổi lớn, để xác lập một mô hình phát triển kinh tế mới, mà trọng tâm là nền sản xuất hiệu quả cao hơn, thị trường hơn, với động lực quan trọng nhất là kinh tế tư nhân, đòn bẩy là khoa học công nghệ, từ đó đưa đất nước phát triển như mục tiêu đã đề ra. |