Vận dụng sáng tạo, hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác tài chính
Đổi mới phong cách phục vụ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp là mục tiêu mà ngành Hải quan luôn hướng tới. Ảnh: TL

Có tầm nhìn dài hạn trong chính sách thu ngân sách

Ngày 11/6/1948, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang trong giai đoạn khó khăn, cam go và quyết liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc - chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Từ đây, phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, phát động và tổ chức thực hiện ngày càng phát triển, gắn liền với lịch sử và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngày 11/6 hàng năm - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, trở thành Ngày Truyền thống Thi đua yêu nước ở nước ta.

Để phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển, phù hợp với tình hình mới, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua - khen thưởng (TĐ-KT), từ năm 1998 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều chỉ thị về công tác TĐ-KT. Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về công tác TĐ-KT, năm 2003, Quốc hội ban hành Luật Thi đua, khen thưởng và được sửa đổi bổ sung năm 2005 và 2013, tạo hành lang pháp lý quan trọng đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về TĐ-KT vào đời sống xã hội.

Công khai, minh bạch trong quản lý kinh tế tài chính

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Phải thống nhất quản lý tài chính tiền tệ, tăng cường kiểm tra, giám sát tài chính, phải coi công tác tài chính là then chốt, việc quản lý là của quốc gia”. Người cũng đề cao tính công khai, minh bạch, dân chủ trong quản lý kinh tế tài chính, bởi lẽ có công khai, dân chủ, minh bạch mới động viên được sức người, sức của nơi dân, mới tập hợp được lực lượng của quần chúng nhân dân để chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí.

Tham luận tại hội thảo “Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào đổi mới công tác thi đua khen thưởng”, do Hội đồng Thi đua khen thưởng trung ương, Khối thi đua các bộ, ngành tổng hợp tổ chức ngày 8/6/2023, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính Lê Thị Thùy Vân cho rằng, nguồn lực của tài chính, của cải của đất nước được hiểu đơn giản là mọi khoản thu của ngân sách nhà nước (NSNN), mà các khoản thu này chủ yếu là từ sản xuất, từ kinh tế.

Sản xuất có phát triển, có tích lũy thì tài chính nhà nước mới có nguồn thu, tài chính trong dân cư mới dồi dào và có tiềm lực mạnh. Bởi vậy, sản xuất là gốc, là nền tảng của tài chính, là yếu tố quyết định tiềm lực tài chính của quốc gia.

Công tác quản lý tài chính phải lấy mục tiêu sản xuất làm gốc là cơ sở của tư tưởng Hồ Chí Minh về tài chính. Người nhấn mạnh, phải dựa vào sản xuất và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, làm nền và tạo sự vững vàng cho nền tài chính quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của tăng gia sản xuất, Người đề nghị “phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất”, “phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm”.

Mặt khác, sản xuất kinh doanh là gốc, là nền tảng của tài chính, nên tài chính phải phục vụ sản xuất và thúc đẩy sản xuất phát triển. “Sản xuất là mặt trận chính của chúng ta hiện nay”. Việc bố trí, phân phối nguồn lực tài chính, các khoản NSNN cho phát triển, cho tiêu dùng phải nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, cải thiện đời sống của nhân dân.

Người yêu cầu: “Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân”. Người cũng chỉ ra rằng, tùy theo yêu cầu, tình hình và nhiệm vụ cách mạng, Chính phủ cần và có thể phải sử dụng chính sách tài chính, chính sách ngân sách thắt chặt hay nới lỏng. Chính sách ngân sách thắt chặt đòi hỏi tăng động viên, giảm bớt chi tiêu, hạn chế bội chi, tiến tới cân bằng ngân sách. Chính sách ngân sách nới lỏng cho phép giảm thuế, khoan sức dân, thỏa mãn nhu cầu chi tiêu bằng vay nợ (phát hành trái phiếu, công trái...), mà tiền vay và lãi vay sẽ trả bằng thuế trong tương lai.

Chính sách tài chính, hoạt động tài chính, đặc biệt là chính sách huy động nguồn lực, chính sách thuế, phí, lệ phí, chính sách động viên, phải giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, vừa đảm bảo huy động được nguồn lực, vừa bảo vệ nguồn thu, bồi dưỡng và phát triển nguồn thu.

Phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả

Theo Phó Viện trưởng Lê Thị Thùy Vân, công tác quản lý tài chính, quản lý nguồn lực của cải của quốc gia là quản lý các yếu tố đầu vào mang tính quyết định đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước. Nguồn lực tài chính, của cải mỗi quốc gia là hữu hạn, trong khi nhu cầu sử dụng nguồn lực cho phát triển KT-XH thì ngày càng tăng.

Do vậy, nguồn lực tài chính, nguồn lực của cải đều phải được quản lý chặt chẽ. Với tinh thần đó, Người nhận định: “Trong công cuộc xây dựng nước nhà, việc quản lý kinh tế - tài chính là cực kỳ quan trọng. Nếu quản lý không chặt chẽ thì cái gì thiếu không biết, cái gì thừa không hay, công việc sẽ bế tắc”.

Việc phân phối, sử dụng nguồn lực tài chính phải nhằm phục vụ tốt nhất cho các mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước. Ngay từ thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập cho nước nhà” nhưng cũng “phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Người yêu cầu mọi chính sách về kinh tế tài chính của Chính phủ đều phải nhằm thực hiện lợi ích của nhân dân, lợi ích của kháng chiến, kiến quốc.

Bác Hồ căn dặn chúng ta phải biết phân bổ sử dụng các nguồn lực tài chính sao cho tiết kiệm và có hiệu quả, vì điều này có ảnh hưởng đến tất cả các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. Bác nói: “Làm ra nhiều, chi dùng ít. Không cần thì không chi dùng. Đó là tất cả chính sách kinh tế, tài chính của ta” và Bác cũng căn dặn phải biết sử dụng đồng tiền cho tốt, đồng tiền bỏ ra phải đảm bảo tăng thêm của cải cho xã hội, phải luân chuyển nhanh chóng tránh để ứ đọng, phải tích cực huy động tiền nhàn rỗi để đưa vào sản xuất.

Điều hành tài chính - ngân sách linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tế

Tại hội thảo, Phó Viện trưởng Lê Thị Thùy Vân nêu quan điểm về một số định hướng quản lý tài chính, quản lý nguồn lực của cải quốc gia theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới, bao gồm: bám sát chủ trương đường lối của Đảng trong điều hành, xây dựng chính sách tài chính - NSNN, hoàn thiện hệ thống chính sách trong các lĩnh vực của ngành Tài chính nhằm xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế, hướng đến thực hiện tốt quá trình quản lý tài chính, ngân sách. Đồng thời, điều hành tài chính - ngân sách linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước…

Bên cạnh đó, mở rộng quy mô thu, phát triển nguồn thu, đồng thời, đẩy mạnh công tác chống thất thu NSNN, nuôi dưỡng nguồn thu cũng được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác tài chính - ngân sách nhằm tăng tính ổn định của nguồn thu trong tương lai. Đối với công tác chi NSNN, tăng chi cho đầu tư phát triển và tập trung chi cho con người.

Theo bà Vân, vốn đầu tư phát triển từ NSNN được tập trung ưu tiên cho các dự án kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, các chương trình mục tiêu quan trọng và vùng trọng điểm, qua đó, tạo sự lan tỏa ra toàn nền kinh tế. Phân bổ các nguồn lực tài chính cần đảm bảo theo các ưu tiên, thực hiện công khai, minh bạch…

Trong thời gian tới, cần tập trung hình thành và phát triển các kênh huy động vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế, góp phần tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời góp phần cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn. Đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài chính, nhằm nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực gắn với việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí.