Tính minh bạch gia tăng khi đưa chuẩn mực quốc tế vào Luật Kế toán sửa đổi
Dự thảo Luật Kế toán sửa đổi đến nay đã cơ bản được hoàn thiện sau quá trình lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Ảnh tư liệu

Áp dụng IFRS - cần luật hóa

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao với kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 150% GDP. Trong những năm gần đây, nhu cầu niêm yết và huy động vốn của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường chứng khoán quốc tế ngày càng nhiều và để thực hiện được điều đó, các đơn vị bắt buộc phải lập báo cáo tài chính theo Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Đồng thời, các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế cũng có nhu cầu áp dụng IFRS theo chính sách của công ty mẹ.

Đã có 87,5% quốc gia áp dụng IFRS

Theo tài liệu của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế, đến nay đã có 87,5% quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bắt buộc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), nếu tính thêm các nước đã tuyên bố về việc cho phép áp dụng IFRS là khoảng 94%.

Tuy nhiên, Việt Nam lại nằm trong số ít các quốc gia chưa chính thức thừa nhận và cho phép áp dụng IFRS, dẫn đến khó khăn trong nhiều vấn đề. Chính vì vậy, tại dự thảo Luật Kế toán sửa đổi lần này, Ban soạn thảo đã đề xuất đưa quy định áp dụng IFRS thành luật hóa, tạo dựng khuôn khổ pháp lý để tháo gỡ các khó khăn, bởi đây không phải là điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Lý giải thêm về vấn đề xuất này, theo Ban soạn thảo, việc cho phép các đơn vị có nhu cầu và khả năng áp dụng IFRS sẽ góp phần giúp đạt các mục tiêu như ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng... do việc áp dụng IFRS là một trong các yếu tố để được các định chế quốc tế nâng hạng thị trường chứng khoán và được quốc tế công nhận là nền kinh tế thị trường.

Đồng thời, việc áp dụng IFRS không chỉ giúp Việt Nam tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài do các doanh nghiệp FDI lớn, mà còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc niêm yết trên thị trường quốc tế, cũng như tiếp cận với nguồn vốn từ các thị trường tài chính quốc tế.

Cơ hội, điều kiện thuận lợi mở ra

Dự thảo Luật Kế toán sửa đổi đến thời điểm hiện tại đã cơ bản được hoàn thiện sau quá trình lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Mới đây, sau khi tiếp thu theo ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Ban soạn thảo đã tiếp tục hoàn thiện. Theo đó, dự thảo đã sửa đổi khoản 3 Điều 7 Luật Kế toán như sau: "Bộ Tài chính quy định chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán của Việt Nam trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam; Hướng dẫn đối tượng, phạm vi, thể thức, lộ trình và các nội dung khác liên quan đến việc áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán.”

Theo Luật Kế toán năm 2015, Bộ Tài chính quy định chuẩn mực kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Quy định này mới chỉ đề cập đến hệ thống chuẩn mực kế toán của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Điều này xuất phát từ thực tế, yêu cầu hội nhập, một số doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu quốc tế, niêm yết trên thị trường chúng khoán ở nước ngoài… cần áp dụng IFRS để đáp ứng các điều kiện tham gia.

Theo Ban soạn thảo, IFRS được quốc tế thừa nhận nên việc cho phép áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ lấy được lòng tin của cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài, là yếu tố góp phần để cộng đồng quốc tế sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ, từ đó khơi thông dòng vốn FDI, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên thị trường quốc tế hoặc nhận được các khoản vay ưu đãi từ các định chế tài chính quốc tế, chủ sở hữu, nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là công ty con của các tập đoàn xuyên quốc gia sẽ không còn phải thực hiện chuyển đổi báo cáo tài chính được lập từ Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang IFRS để hợp nhất với công ty mẹ. Theo Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, việc được phép áp dụng IFRS sẽ tạo ra một làn sóng FDI mới đổ vào Việt Nam do giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, giảm được rủi ro đáng kể và tạo dựng môi trường kinh doanh ổn định.

Trong giai đoạn vừa qua, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đang có những bước tăng trưởng vượt bậc. Việc đưa IFRS vào áp dụng sẽ giúp cho thông tin tài chính của doanh nghiệp niêm yết đầy đủ, trung thực và minh bạch hơn, là yếu tố quan trọng để các tổ chức quốc tế sớm xem xét, đánh giá nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.…

Theo Ban soạn thảo, do Luật Kế toán năm 2015 chỉ đề cập đến chuẩn mực kế toán của Việt Nam, chưa đề cập đến IFRS, nên dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán cần đưa thêm nội dung về IFRS, để có căn cứ hướng dẫn thực hiện. Các nội dung cụ thể về phạm vi, đối tượng, lộ trình,… sẽ được Bộ Tài chính hướng dẫn theo thẩm quyền sau khi đánh giá đầy đủ tác động của việc áp dụng IFRS.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán

Tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, trong đó có Luật Kế toán, một trong những mục tiêu quan trọng trong việc sửa đổi các quy định liên quan đến Luật Kế toán đó chính là việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán hướng đến bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đảm bảo sự nhất quán và phù hợp với các quy định khác của pháp luật.

Nhằm hiện thực hóa được các mục tiêu đề ra, Ban soạn thảo cho biết, dự thảo sẽ sửa đổi, bổ sung quy định làm rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán; sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực kế toán của các bộ, ngành khác. Đồng thời, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp phân quyền, làm rõ chức năng quản lý nhà nước của ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Dự thảo cũng bổ sung trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong khu vực thi công thực hiện các nhiệm vụ; ký tên trên sổ kế toán, báo cáo tài chính, bảo quản lưu trữ tài liệu kế toán, tổ chức bộ máy kế toán tại đơn vị; bổ sung quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người làm công tác kế toán…

Theo Ban soạn thảo, các điểm đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo tính nhất quán trong việc áp dụng pháp luật đối với việc lập và trình bày báo cáo tài chính, nâng cao khả năng so sánh giữa các đơn vị do cùng lập báo cáo tài chính theo một cơ sở thống nhất; góp phần thiết lập được hệ thống công cụ quản lý hữu hiệu phục vụ quá trình cải cách kinh tế.

Ngoài ra, do Luật Kế toán quy định về chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán của Bộ Tài chính, các bộ, ngành khác, UBND các cấp còn tương đối chung chung gây khó khăn trong việc xác định được trách nhiệm của từng cơ quan, để từ đó chủ động thực thi các biện pháp theo thẩm quyền. Ngoài ra, các bộ, ngành, UBND chưa được giao cụ thể việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các đối tượng thuộc phạm vi quản lý nên làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán.

Vì vậy, cần thiết phải có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán để đạt mục tiêu tăng cường phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thanh tra, kiểm tra, giám sát cho các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh./.