Quyết liệt tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia
Sau gần 4 năm triển khai, chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đang từng bước đi vào chiều sâu. Ảnh tư liệu

Nhiều địa phương còn lúng túng, giải ngân chậm

Theo Văn bản số 7593/BTC-ĐT của Bộ Tài chính về tổng hợp báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2024, tổng vốn ngân sách trung ương bố trí cho Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2024 đạt 9.874,6 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 73,1%, vốn sự nghiệp đạt 52,6%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, đến cuối năm 2024, cả nước có 6.318/8.155 xã (77,5%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 2.204 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 581 xã so với năm 2023; 482 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tăng 224 xã. Ở cấp huyện, 297/645 đơn vị (46,1%) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 14 huyện đạt chuẩn nâng cao. Đặc biệt, 5 tỉnh (tính tại thời điểm chưa sáp nhập) gồm Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới .

Đáng chú ý, nhiều địa phương đã phát huy tốt nội lực, tổ chức thực hiện đồng bộ, huy động đa dạng nguồn lực xã hội và vốn ngân sách địa phương để thúc đẩy chương trình. Điển hình như tỉnh Thanh Hóa đã huy động hơn 297.000 tỷ đồng để đầu tư vào hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, nhà văn hóa… góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Bên cạnh đó, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình mục tiêu quốc gia - 1719) và giảm nghèo bền vững (Chương trình mục tiêu quốc gia 90) cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo Báo cáo số 60/BC - BTC ngày 20/6/2025 của Bộ Tài chính về tình hình triển khai thực hiện, phân bổ, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025: tại tỉnh Sơn La, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm mạnh từ 21,34% (năm 2021) xuống còn 10,9% (năm 2024); tỉnh Hòa Bình có 16/59 xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi diện đầu tư theo Quyết định 1719, vượt 55% kế hoạch. Các chỉ số phát triển về giáo dục, y tế, điện, nước hợp vệ sinh… tại vùng dân tộc thiểu số đều tăng so với giai đoạn trước.

Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Đầu tiên phải kể đến đó là công tác ban hành văn bản hướng dẫn chuyên đề còn chậm, thiếu đồng bộ. Một số địa phương chưa hoàn tất phân cấp, chưa cụ thể hóa tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để làm cơ sở tổ chức thực hiện. Tại một số nơi, hệ thống văn bản chưa sát với thực tiễn, khiến quá trình triển khai gặp khó khăn.

Tiếp đến là việc quản lý và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công quy mô nhỏ do cấp xã làm chủ đầu tư còn nhiều lúng túng. Do năng lực đội ngũ cán bộ cấp xã hạn chế, nên công tác khảo sát, thiết kế, phê duyệt, đấu thầu… đều chậm. Nhiều công trình đến giữa năm 2024 vẫn chưa khởi công. Một số địa phương còn tình trạng “ngại làm”, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan liên quan.

Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công và vốn sự nghiệp chưa đạt yêu cầu. Tính đến tháng 8/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn quốc cho các chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạt khoảng 52%, vốn sự nghiệp đạt khoảng 8 - 16%. Việc chậm giải ngân làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Gỡ vướng, tạo đà cho giai đoạn tiếp theo

Từ thực tiễn triển khai, nhiều địa phương đã đề xuất các kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong những tháng còn lại của năm 2025 và định hướng cho giai đoạn sau.

Trước hết, các bộ, ngành cần khẩn trương hoàn thiện, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn chuyên đề, hướng dẫn tiêu chí, định mức, quy chuẩn phù hợp với thực tế từng vùng, miền. Việc này giúp các địa phương chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện, tránh lúng túng, chờ đợi.

Tiếp theo, cần tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, nơi mà năng lực quản lý còn yếu. Đồng thời, đẩy mạnh việc chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay từ các địa phương có kết quả nổi bật.

Đặc biệt, công tác chỉ đạo điều hành giải ngân cần được siết chặt, gắn trách nhiệm người đứng đầu với tiến độ thực hiện từng dự án, tiểu dự án. Địa phương cần chủ động lồng ghép nguồn lực từ các chương trình khác để bổ trợ cho nhau, tránh tình trạng manh mún, đầu tư dàn trải.

Đối với các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho các chính sách an sinh xã hội, sinh kế bền vững và phát triển hạ tầng thiết yếu. Các mô hình hỗ trợ sinh kế theo chuỗi giá trị phù hợp đặc điểm từng vùng, như tại Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ… cần được nhân rộng.

Về lâu dài, cần rà soát, tích hợp các chương trình mục tiêu quốc gia để giảm chồng chéo, trùng lặp, tiết kiệm nguồn lực. Tại Hội nghị Chính phủ ngày 22/6/2025, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo định hướng xây dựng chương trình tổng thể cho giai đoạn 2026 - 2030, tích hợp nội dung xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững theo hướng “xanh, bền vững, toàn diện”.

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chủ động của chính quyền địa phương, sự chung tay của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng, các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đang từng bước đi vào chiều sâu. Những kết quả đã đạt được là tiền đề quan trọng để cả nước phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra đến hết năm 2025, đồng thời chuẩn bị nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng tiến độ, chất lượng thực hiện chương trình

Theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tiến độ, chất lượng thực hiện; kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; phát huy sáng kiến, đổi mới tư duy điều hành, quản trị các chương trình một cách hiệu quả. Có như vậy, chương trình mục tiêu quốc gia mới thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển bền vững đất nước.