Nhiều nhóm ngành chủ lực tạo động lực tăng trưởng mới cho xuất khẩu nông sản
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đồ họa: Phương Anh

Nhiều mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch cao

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (XK NLTS) tháng 2/2025 ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 37,2% so với tháng 2/2024, đưa tổng kim ngạch XK NLTS 2 tháng đầu năm 2025 đạt 9,38 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Đáng chú ý, trong bức tranh XK NLTS 2 tháng đầu năm 2025 có nhiều mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch cao về số lượng và giá trị, có mức tăng trưởng rất mạnh. Cụ thể, tổng khối lượng và giá trị XK cà phê đạt 284 nghìn tấn và đạt giá trị 1,58 tỷ USD, giảm 28,4% về khối lượng nhưng tăng 26,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá cà phê XK bình quân ước đạt 5574,5 USD/tấn, tăng 76,3% so với cùng kỳ năm 2024. Năm nay, dự kiến XK cà phê có thể đạt 6 tỷ USD. Giá trị XK thủy sản đạt 1,42 tỷ USD, tăng 18,6%; giá trị XK lâm sản đạt 2,68 tỷ USD, tăng 11,9%. Cùng với đó, khối lượng và giá trị XK cao su đạt 280,6 nghìn tấn và 532,9 triệu USD, giảm 5,9% về khối lượng nhưng tăng 24,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Sản phẩm chăn nuôi có tổng giá trị XK đạt 72,2 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2024. Giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,52 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2024…

Tuy nhiên, có một số mặt hàng chủ lực có sự sụt giảm như rau quả, gạo, hạt điều, hạt tiêu… Đơn cử, mặt hàng rau quả có giá trị XK tháng 2/2025 ước đạt 350 triệu USD, đưa tổng giá trị XK hàng rau quả 2 tháng đầu năm 2025 đạt 724,5 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng khối lượng và giá trị XK gạo 2 tháng đầu năm 2025 đạt 1,1 triệu tấn và 613 triệu USD, tăng 5,9% về khối lượng nhưng giảm 13,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến, để tăng tốc trong những tháng tới, cần phát huy những mặt hàng có lợi thế. Với những mặt hàng đang có sự tụt giảm về kim ngạch XK, hiện chúng ta cũng đã có hệ thống giải pháp để có thể duy trì được đà tăng trưởng ở những tháng sau này.

Ví dụ, với lúa gạo, giá gạo XK bình quân 2 tháng đầu năm 2025 ước đạt 553,6 USD/tấn, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2024 nhưng những ngày đầu tháng 3/2025, giá gạo XK bắt đầu nhích lên. Năm ngoái, XK gạo đạt con số 9,15 triệu tấn, năm nay dự kiến XK gạo đạt con số trên dưới 9 triệu tấn. Việc đầu tư vào gạo chất lượng cao, cùng với đa dạng hóa thị trường sẽ là cách để có thể duy trì được sản lượng và giá trị XK.

Khai thác dư địa, tiềm năng và lợi thế để đạt tăng trưởng 4%

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, năm 2025, Chính phủ giao chỉ tiêu cho tăng trưởng nông nghiệp là 4%. Với lĩnh vực trồng trọt chiếm khoảng 43% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp, tăng trưởng lĩnh vực này cao nhất đạt con số 2,2%. Lĩnh vực chăn nuôi với quy mô 5% GDP và chiếm khoảng 26% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp, tăng trưởng cao nhất lĩnh vực này là 5,92% (năm 2022); thủy sản chiếm 28% trong tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp, tăng trưởng từ 3,5 - 3,8%; lâm nghiệp chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp nhưng tăng trưởng bình quân ở mức trên dưới 7%. Đây là những dư địa cần phải rà soát để tính toán trong cơ cấu ngành hàng cũng như tốc độ tăng trưởng để đảm bảo về đích 4% như mục tiêu Chính phủ đã đặt ra.

3 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam

Theo Bộ NN&MT, 2 tháng đầu năm 2025, Hoa Kỳ với thị phần 22%, Trung Quốc với thị phần 17,8%, Nhật Bản với thị phần 7,7%, là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Để đạt mục tiêu XK năm 2025, ông Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, khoa học công nghệ là giải pháp đầu tiên, vì thế cần thúc đẩy giải pháp này một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn. “Khoa học, công nghệ chiếm 55% giá trị gia tăng của toàn ngành, tuy nhiên, tới đây, khoa học công nghệ phải đưa vào chương trình giống, chương trình canh tác, bảo vệ thực vật, thú y, phòng bệnh, từ đó gắn với kinh tế tuần hoàn, truy xuất được nguồn gốc và minh bạch hóa những sản phẩm XK” - ông Tiến nói.

Đối với chế biến và chế biến sâu, hiện Việt Nam mới chỉ XK bằng “bao” (có nghĩa là xuất thô) trong khi thế giới XK bằng “gói” (XK sản phẩm tinh), giá trị gia tăng chính là ở chỗ này.

Trong bối cảnh diện tích trồng không tăng thì vấn đề năng suất, chất lượng và vùng nguyên liệu gắn với chế biến sâu, đây chính là dư địa để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu XK NLTS năm 2025 và làm tiền đề cho XK trong giai đoạn 2026 - 2030.

Bộ NN&MT cũng khẳng định, tuy thuận lợi và có nhiều dư địa để đẩy mạnh XK nhưng những biến động của thị trường trong thời gian tới luôn khó lường. Bộ này sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương thúc đẩy mở cửa thị trường mới, nhất là thị trường Halal, đồng thời duy trì tốt những thị trường truyền thống, tránh việc phụ thuộc vào 1 hoặc 2 thị trường nhất định.

Bộ NN&MT đề nghị, các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, XK các sản phẩm nông nghiệp cần chuẩn bị vùng trồng, vùng nuôi một cách kỹ lượng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để có vùng nguyên liệu minh mạch, rõ ràng. Mỗi thị trường đều có tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng nhưng nếu sản xuất đáp ứng tốt các yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc chắc chắn sẽ luôn tìm thấy cơ hội.

Ổn định thị trường lúa gạo và phát triển ngành Lúa gạo một cách bền vững

Ngày 4/3, Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy đã chủ trì hội nghị về ổn định thị trường lúa gạo. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế, và tìm ra các giải pháp phù hợp để ổn định, phát triển bền vững ngành lúa gạo trong thời gian tới.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng và các chuyên gia trong ngành, tình hình cung cầu trên thị trường quốc tế đang có dấu hiệu mất cân đối. Cung gạo đang tăng mạnh trong khi cầu lại tăng nhưng chưa kịp với tốc độ tăng cung, đặc biệt khi các quốc gia như Ấn Độ và Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu. Tình trạng này đã tác động trực tiếp đến xuất khẩu gạo của Việt Nam, khiến cho chúng ta gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc giá gạo đã giảm mạnh so với năm 2024. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường quốc tế mà còn tác động trực tiếp đến thị trường trong nước, nhất là khi chúng ta đang vào thời điểm chính vụ Đông Xuân của đồng bằng sông Cửu Long, với sản lượng gạo rất lớn.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, mục tiêu là không chỉ ổn định thị trường trong ngắn hạn mà còn phát triển ngành Lúa gạo một cách bền vững trong dài hạn. Các giải pháp sẽ bao gồm các biện pháp bình ổn giá, hỗ trợ xuất khẩu, cải thiện năng lực kho chứa, cũng như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại.

Bộ trưởng Đỗ Dức Duy cũng đặc biệt lưu ý rằng, khi giá cả giảm mạnh, có thể dẫn đến hiện tượng thương lái ép giá nông dân hoặc các doanh nghiệp thiếu năng lực tài chính bán tháo gạo để tránh thua lỗ. Điều này không chỉ làm mất giá trị của gạo mà còn gây rối loạn thị trường. Ngoài ra, cũng có những ý kiến cho rằng, trong tình hình cung lớn hơn cầu, một số quốc gia nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam có thể lợi dụng thời điểm này để ép giá. Do vậy, Bộ trưởng cho rằng, nếu không bình tĩnh và đưa ra những quyết định phù hợp, chúng ta có thể rơi vào tình trạng bị ép giá từ các đối tác xuất khẩu và điều này sẽ tác động tiêu cực đến cả thị trường quốc tế và trong nước…