Nội dung này nằm trong khuôn khổ Hội nghị hướng dẫn rà soát, chuẩn hóa dữ liệu trong phần mềm tổng kiểm kê tài sản công và lấy ý kiến về một số văn bản quy phạm pháp luật được Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 3/4/2025.

Giải “bài toán” sắp xếp tài sản công sau tinh gọn bộ máy Bộ Tài chính đề nghị xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân chậm gửi báo cáo kiểm kê tài sản công Bộ Tài chính hoàn thành tổng kiểm kê tài sản công đúng tiến độ Tổng kiểm kê tài sản công: Đã hoàn thành giai đoạn kiểm đếm thực tế

Các văn bản quy định về tài sản công phải được ban hành sớm

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, sau khi rà soát để thực hiện chủ trương phân cấp, chủ trương sáp nhập và tinh gọn bộ máy, trong lĩnh vực quản lý tài sản công có khoảng 52 văn bản cần sửa đổi (gồm luật, nghị định, quyết định, thông tư…).

Nhanh chóng hoàn thiện quy định về tài sản công phù hợp với bối cảnh mới
Ông Nguyễn Tân Thịnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang được các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, nên các văn bản liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy cũng cần phải được ban hành nhanh chóng. Vì thế, tại hội nghị này, Bộ Tài chính xin ý kiến đối với 2 nhóm vấn đề liên quan đến sắp xếp tinh gọn bộ máy trong thời gian tới.

“Dự kiến 1/7 tới đây, hệ thống tổ chức bộ máy mới sẽ vận hành, sau khi vận hành bộ máy mới thì tài sản công cũng phải sắp xếp lại. Tuy nhiên, thực hiện sắp xếp lại mà không có tiêu chuẩn, định mức; không có quy định về thẩm quyền thì không thể sắp xếp được. Do đó bắt buộc các văn bản về tiêu chuẩn, định mức và Luật sửa nhiều luật, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sẽ phải ban hành trước ngày 1/7/2025” - ông Thịnh nhấn mạnh.

Hiện nay vấn đề sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang được các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, nên các văn bản liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy cũng cần phải được ban hành nhanh chóng.

Ông Thịnh cũng lưu ý các bộ, ngành về bộ máy mới, chức năng nhiệm vụ mới, thì tiêu chuẩn, định mức cũng phải mới. Do đó, nếu các bộ, ngành không góp ý để sát với tình hình thực tế sau khi sáp nhập, tổ chức lại thì quá trình rà soát sau này sẽ rất khó khăn.

Ông Thịnh cũng nhấn mạnh đến việc sau khi sắp xếp chắc chắn sẽ có thanh tra, kiểm tra và chắc chắc sẽ có kiểm toán, nếu không có quy chuẩn mới để sắp xếp, bố trí thì quá trình thực hiện rất dễ bị sai. Do đó, bắt buộc các văn bản quy định về tài sản công phải được ban hành sớm để phù hợp với bối cảnh mới, tình hình mới, tổ chức bộ máy mới của các cơ quan, đơn vị.

Đề xuất sửa đổi nhiều quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công

Tại hội nghị, bà Lê Thị Ngọc Lan - Phó Chánh Văn phòng Cục Quản lý công sản đã trình bày các nội dung dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó nhấn mạnh đến việc sửa đổi quy định liên quan đến cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công (Điều 19).

Nhanh chóng hoàn thiện quy định về tài sản công phù hợp với bối cảnh mới
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Theo đó, nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung là việc chuyển nội dung quy định cho cấp huyện thành cấp xã. Cụ thể, UBND cấp xã giao cơ quan tài chính cùng cấp giúp UBND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước đối với tài sản công quy định tại Điều 18 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; trực tiếp quản lý, xử lý đối với một số loại tài sản công theo quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan.

Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của các đại biểu, đồng thời tiếp tục rà soát, sửa đổi các nội dung chính sách đảm bảo hợp lý, sát thực tế, tạo thuận lợi khi triển khai thực hiện chính sách. Việc quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công đảm bảo tài sản được sử dụng tối đa, phát huy hiệu quả, tránh lãng phí.

Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã giúp UBND cùng cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tài sản công, trực tiếp quản lý, xử lý đối với một số loại tài sản công theo quy định của pháp luật.

Bà Lan cho biết lý do sửa đổi, bổ sung là theo chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính thì sẽ bỏ cấp huyện và chuyển phần lớn nhiệm vụ của cấp huyện cho cấp xã thực hiện.

Cho biết về tiêu chuẩn, định mức trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, bà Hoàng Thị Thu Lan - Phó trưởng phòng nghiệp vụ I, Cục Quản lý công sản cho biết, Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm diện tích tối đa cho 1 chỗ làm việc cho phù hợp với các chức danh đã quy định (trong đó có chức danh tăng lên 10m2, 5m2 và 3m2). Đồng thời cho phép điều hòa diện tích làm việc, đảm bảo nguyên tắc không vượt tổng định mức diện tích làm việc tối đa.

Về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, bà Lan cho biết, do tất cả các cơ quan, đơn vị đều sắp xếp lại tổ chức bộ máy như nhau, nên dự thảo bỏ quy định cho các đơn vị đặc thù quy định tại Nghị định số 72/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.

Về việc quyết định số xe ô tô phục vụ công tác chung, bổ sung các trường hợp không thực hiện điều hòa xe gồm: xe phục vụ công tác chung của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đầu tư; đơn vị thuộc, trực thuộc cục và tương đương; sở ngành (biên chế trên 20 người); khối văn phòng cấp tỉnh; đơn vị thuộc, trực thuộc các cục tổ chức ngành dọc…

Các đại biểu tham gia hội nghị đều đánh giá cao các nội dung sửa đổi, bổ sung được Cục Quản lý công sản đưa ra tại các dự thảo đang lấy ý kiến. Theo các đại biểu, các bổ sung, sửa đổi đã cơ bản bám sát thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị khi triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý chi tiết với những nội dung liên quan đến: tiêu chuẩn định mức sử dụng trụ sở làm việc, tiêu chuẩn định mức sử dụng xe ô tô, trang bị máy móc thiết bị dùng chung, sắp xếp bố trí tài sản… nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình sắp xếp bộ máy hành chính hiện nay./.