![]() |
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn, đặc biệt là tôm và cá tra sang Mỹ. Ảnh: Lê Toàn |
Thủy sản và gỗ chịu tác động lớn
Mỹ đã công bố áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia việc Mỹ áp mức thuế mới có thể ảnh hưởng lớn đến mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, đặc biệt khi Mỹ đang là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Kết thúc năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 62,5 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu nông sản sang Mỹ đạt 13,8 tỷ USD, đứng đầu trong cơ cấu hơn 200 thị trường của Việt Nam, tiếp theo là Trung Quốc với 13,6 tỷ USD. Riêng quý I/2025, Hoa Kỳ với thị phần 20,2%, Trung Quốc với thị phần 17,3%, và Nhật Bản với thị phần 7,7%, là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, thủy sản và gỗ là hai ngành hàng chịu tác động lớn sau thông tin Mỹ áp thuế bởi đây là nhóm hàng có thế mạnh trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn, đặc biệt là tôm và cá tra sang Mỹ. Đối với ngành thủy sản, năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 1,8 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ, trong đó hai mặt hàng chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra đều tăng mạnh. Nếu thuế xuất khẩu tăng, giá thành thủy sản Việt Nam sẽ tăng lên, gây khó khăn cho việc duy trì hợp đồng với các đối tác Mỹ.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, doanh nghiệp ngành hàng cá tra đang lo lắng trước thông tin Mỹ sẽ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam. Hiện các doanh nghiệp ngành hàng cá tra đang nghe ngóng thêm tình hình, bởi hiện tại giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ khoảng 3,4 USD/kg, nếu áp thuế 46% thì giá có thể tăng lên 150% thì không thể cạnh tranh nổi.
Đối với các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, Mỹ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 55,5% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành này đạt trên 8,8 tỷ USD trong năm 2024. Đồng thời, Mỹ luôn là thị trường nhập khẩu quan trọng của thủy sản Việt Nam. Cả năm 2024 xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 1,8 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, với vai trò là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, những thay đổi này sẽ đặt ra nhiều thách thức lớn cho ngành gỗ. Cụ thể, gia tăng áp lực cạnh tranh. Sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh trực tiếp từ sản phẩm nội địa Hoa Kỳ và hàng hóa từ các quốc gia khác. Đồng thời, Việt Nam phải đối mặt với các rủi ro thương mại và có thể bị áp thuế trừng phạt, do tình trạng hàng hóa Trung Quốc “núp bóng” xuất xứ Việt Nam…
Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cũng chia sẻ, 60 - 70% các mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam hướng đến thị trường Mỹ, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp của Bình Dương lên đến 80% nên việc Mỹ áp thuế 46% có thể khiến đối tác hủy đơn hàng, giảm số lượng.
Chủ động kế hoạch phù hợp cho giai đoạn mới
Nhận định về chính sách thuế quan mới của Mỹ đối với mặt hàng nông sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Phùng Đức Tiến cho hay, trước đây, Việt Nam đã vượt qua nhiều rào cản thương mại của Mỹ, bao gồm quy định chống bán phá giá và yêu cầu tương đương về chất lượng. Tuy nhiên, với mức thuế mới, xuất khẩu nông sản sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nhất định.
“Khi nông sản xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng có rất nhiều rào cản như chống bán phá giá nhưng chúng ta đều vượt qua được. Với mức thuế này, sẽ ảnh hưởng đối với mặt hàng nông sản Việt Nam, tuy nhiên chúng ta sẽ dĩ bất biến, ứng vạn biến” - ông Tiến nói.
Nhấn mạnh chúng ta cần giữ vững chiến lược "dĩ bất biến, ứng vạn biến", Thứ trưởng Bộ NN&MT cho rằng, ngành Nông nghiệp và các mặt hàng cần rà soát lại cơ cấu ngành hàng; tập trung cho sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh.
Ví dụ, chúng ta cần rà soát lại cơ cấu ngành hàng, đặc biệt là cá tra và tôm - hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Hiện tôm có sản lượng 1,3 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỷ USD; cá tra đạt 1,65 triệu tấn, giá trị trên 2 tỷ USD. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador…, Việt Nam cần đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để duy trì vị thế tại Mỹ. Điều này bao gồm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm, kim loại nặng, vi sinh vật và kháng sinh; tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng con giống; cải thiện chuỗi sản xuất cá tra, đáp ứng nhu cầu 4,5 tỷ con giống tại Đồng bằng sông Cửu Long;…
Bên cạnh đó, trong quá trình áp thuế, chúng ta vẫn tiếp tục phải có ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước của Mỹ vì Mỹ đang là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ, Thứ trưởng Bộ NN&MT khẳng định, ngành Nông nghiệp phải tiếp tục mở rộng thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường. Ví dụ, thị trường Trung Quốc cũng đứng thứ 2, nếu quan hệ Việt Nam và Trung Quốc ổn định thì còn rất nhiều mặt hàng chúng ta có thể xuất sang Trung Quốc. Điều này càng đặc biệt khi chúng ta đã ký một số nghị định về sầu riêng đông lạnh; xuất khẩu cá sấu nuôi, khỉ và rất nhiều sản phẩm khác...
Việt Nam đã giảm thuế nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ Việt Nam đã giảm thuế hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, như thuế đối với đùi gà đông lạnh giảm từ 20% xuống 15%. Ngoài ra, thuế nhập khẩu đối với các loại hạt như hạnh nhân, hồ trăn, táo tươi và cherry đã giảm từ 8 - 15% xuống còn 5%. Đáng chú ý, thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm gỗ và đồ nội thất đã giảm từ 20 - 25% xuống 0%. |