Đây là một sáng kiến táo bạo với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp, đồng thời nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các cộng đồng nông thôn ở Tây Nguyên và Duyên Hải Nam Trung Bộ.

IFAD đầu tư vào tương lai xanh, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Bộ Tài chính thảo luận với IFAD về 2 dự án mới.

Khi Việt Nam ngày càng giảm tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi do đã được nâng cấp lên trạng thái nước thu nhập trung bình, các giải pháp tài chính sáng tạo đã trở nên cần thiết. Sự tham gia của IFAD đảm bảo các khoản tài trợ và khoản vay quan trọng để hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ lẻ và thúc đẩy các thực hành nông nghiệp bền vững. Dự án RECAF được thiết kế phù hợp với các kế hoạch phát triển quốc gia và tỉnh, nhằm đẩy mạnh đầu tư cần thiết vào nông nghiệp thông minh về khí hậu.

Ngoài ra, dự án sẽ nhận được đồng tài trợ từ Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), như một phần trong nỗ lực đẩy nhanh hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các quốc gia đang phát triển thông qua cách tiếp cận đối tác do nước sở tại điều hành.

Theo IFAD, các cuộc tham vấn vừa qua đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cam kết của Việt Nam đối với phát triển bền vững. Với sự hỗ trợ của IFAD và việc áp dụng các giải pháp tài chính sáng tạo, dự án RECAF không chỉ sẽ góp phần chuyển đổi nông nghiệp mà còn giảm phát thải và nâng cao chất lượng sống của các cộng đồng nông thôn.

Điều này minh chứng Việt Nam đã và đang tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong phát triển thông minh về khí hậu, hướng tới một tương lai xanh và bền vững hơn.

Ông Ambrosio Barros- Giám đốc Văn phòng Quốc gia Mekong và Giám đốc Quốc gia IFAD tại Việt Nam mô tả dự án này là một bước ngoặt lớn cho ngành nông nghiệp của Việt Nam. Ông chia sẻ: “Đây không chỉ là việc cắt giảm phát thải - mà còn là việc nâng cao cộng đồng, tạo ra cuộc sống công bằng và xây dựng một tương lai xanh hơn cho tất cả”.

Dự án RECAF sẽ đóng góp vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) bằng cách thúc đẩy nỗ lực chấm dứt đói nghèo, đạt được mục tiêu không còn đói nghèo và chống lại biến đổi khí hậu./.

Tác động dự kiến của Dự Án RECAF

Sau khi được phê duyệt, dự án RECAF dự kiến sẽ tác động tích cực đến cuộc sống của khoảng 100.000 hộ gia đình nông dân nhỏ lẻ, đặc biệt tập trung vào dân tộc thiểu số, phụ nữ và thanh niên tại các tỉnh như Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng. Thông qua việc tích hợp Kế hoạch hành động Quốc gia về giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng vào các chính sách địa phương, dự án sẽ thúc đẩy nông nghiệp bền vững, quản lý rừng hiệu quả hơn và phát triển chuỗi giá trị không phá rừng. Các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông lâm, khả năng tiếp cận tài chính và các thực hành chống chịu với biến đổi khí hậu sẽ mở đường cho tính bền vững dài hạn.