Giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025: Tìm giải pháp, không kêu khó
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt ít nhất 95% kế hoạch. Ảnh tư liệu

Ước giải ngân đạt trên 12% kế hoạch vốn Thủ tướng giao

Năm 2025, vốn đầu tư công Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) được Quốc hội quyết nghị và giao cho các bộ, ngành, địa phương là 25.405 tỷ đồng (bao gồm 25.200 tỷ đồng vốn trong nước và 205 tỷ đồng vốn nước ngoài). Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, thực hiện quy định tại Luật Đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã giao vốn cho dự án, nhiệm vụ thuộc 3 CTMTQG là 21.962 tỷ đồng.

Kịp thời giải đáp các vướng mắc trong thực hiện giải ngân

Trước thực trạng giải ngân vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia còn thấp, trong phạm vi và quyền hạn của mình, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục đôn đốc các địa phương triển khai, thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân và có văn bản kịp thời trả lời, hướng dẫn các vướng mắc của địa phương theo thẩm quyền.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 1/2025, các bộ, ngành, địa phương giải ngân 3 CTMTQG được trên 1.468 tỷ đồng, đạt 6,69% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước đến hết tháng 2/2025, giải ngân được trên 2.695 tỷ đồng, đạt 12,27% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Mặc dù có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chung của cả nước (ước đến hết tháng 2, cả nước giải ngân vốn đầu tư công đạt 7,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), nhưng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, riêng nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương thực hiện 3 CTMTQG còn thấp, mới đạt 1,5% tổng dự toán thực hiện trong năm (bao gồm dự toán kéo dài từ các năm trước và dự toán giao trong năm 2025).

Khẩn trương tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Có thể thấy, trong nhiều năm trở lại đây, các CTMTQG đã đóng góp và tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn, đặc biệt là với kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế đã được quan tâm đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quá trình phát triển và hiện đại hóa nông thôn. Theo đó, đời sống của người dân được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm.

Vì thế việc đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này đã không còn là nhiệm vụ của riêng từng bộ, ngành, nào mà là nhiệm vụ của toàn xã hội, cùng chung tay xây dựng, phát triển để thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi.

Nhận thức được điều đó, các bộ, ngành, địa phương được giao nguồn vốn này đã và đang thực hiện các giải pháp với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi, không kêu khó”.

Đơn cử như tỉnh Quảng Nam đã khởi động thực hiện các CTMTQG ngay từ những ngày đầu năm. Theo đó, với tổng số vốn được giao hơn 846 tỷ đồng (ngân sách trung ương hơn 686 tỷ đồng; ngân sách địa phương gần 160 tỷ đồng), đến nay tỉnh đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho từng nhiệm vụ, dự án trên 778 tỷ đồng, đạt 92%.

Tỉnh Quảng Nam đang yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố có dự án khởi công mới năm 2025 khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư các công trình; bố trí thêm nhân sự tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư để phân bổ dứt điểm kế hoạch vốn năm 2024. Đồng thời, tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín để thực hiện các nhiệm vụ của dự án, tránh tình trạng phải bổ sung, điều chỉnh hồ sơ dự án nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn và chất lượng dự án.

Tại Bình Định, nguồn vốn đầu tư CTMTQG đã được tỉnh phân bổ cho 502 danh mục, công trình, dự án thuộc 3 CTMTQG. Trong đó, đã phân bổ cho 55 công trình hoàn thành, 212 công trình chuyển tiếp, 232 công trình khởi công mới và 3 công trình kéo dài sang năm 2025.

Để giải ngân nhanh nguồn vốn, lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương thụ hưởng CTMTQG triển khai nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp.

Đặc biệt, với các công trình, dự án chuyển tiếp, tỉnh Bình Định đã yêu cầu chủ đầu tư tập trung tối đa nguồn lực, đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, tổ chức nghiệm thu, lên khối lượng và giải ngân vốn. Đối với các dự án hoàn thành, phải hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục quyết toán gửi cơ quan tài chính thẩm tra, trình phê duyệt theo thẩm quyền.

Đối với các công trình, dự án khởi công mới đã được phê duyệt, tỉnh Bình Định yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng để triển khai thi công, nhanh có khối lượng để thanh toán.

Với các công trình, dự án chưa hoàn thành thủ tục, các chủ đầu tư cần đôn đốc đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và cam kết tiến độ hoàn thành để chủa đầu tư thực hiện các thủ tục trình thẩm định, phê duyệt.

Còn tại tỉnh Hòa Bình, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn các CTMTQG trong năm 2025, lãnh đạo tỉnh này cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần của các CTMTQG trên địa bàn tỉnh theo lĩnh vực, địa bàn đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

Đồng thời, yêu cầu các ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, kịp thời báo cáo kết quả thực hiện để tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, có chế tài xử lý đối với nhà thầu chậm tiến độ./.