Điều hành chính sách tài khóa chủ động, thúc đẩy tăng trưởng
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Hơn 900 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nền kinh tế

Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong điều hành chính sách tài chính- ngân sách nhà nước, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Bộ Tài chính cũng chủ động lên phương án, kịch bản phù hợp, vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa “khoan thư sức dân” hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Trên thực tế, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước. Chính sách tài khoá kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đã hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Kiểm soát tốt bội chi và nợ công

Bội chi được kiểm soát chặt chẽ (bình quân các năm 2021 - 2023 là 3% GDP, đánh giá 2024 khoảng 3,4% GDP), trong phạm vi cho phép. Bên cạnh đó, tiếp tục ưu tiên nguồn lực trong chi đầu tư phát triển (dự toán năm 2025 bố trí chi đầu tư phát triển 31% tăng chi, cao hơn mục tiêu 5 năm là 28-29%), trong khi vẫn phải đảm bảo nguồn cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội, giữ an ninh an toàn tài chính thông qua kiểm soát tốt bội chi và nợ công.

Trả lời báo chí gần đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã được điều hành linh hoạt, nhịp nhàng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, chính sách tài khóa đã được mở rộng có trọng tâm trọng điểm, với các mức độ khác nhau, tùy thuộc điều hành vĩ mô và tình hình thực tế.

Bộ Tài chính đã thực hiện đồng bộ các chính sách gia hạn, giảm thu ngân sách với tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ trong giai đoạn 2020-2024 là gần 900.000 tỷ đồng. Việc triển khai thực hiện các chính sách này đã tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là thanh khoản tài chính cho các chủ thể kinh tế giúp họ duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19, vượt qua những trở ngại do biến động thị trường trong nước và quốc tế.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2024, dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.700,99 nghìn tỷ đồng, thực hiện 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2023. Đánh giá cả năm ước đạt 1.873,3 nghìn tỷ đồng, vượt 172,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so dự toán; đạt tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 16,5% GDP dự toán, trong đó từ thuế, phí đạt 13,1% GDP.

Bộ Tài chính đánh giá, về cơ bản ước các lĩnh vực thu NSNN đều đạt và vượt dự toán giao. Dự toán bội chi NSNN năm 2024 là 399,4 nghìn tỷ đồng, bằng 3,6% GDP. Ước bội chi cả năm khoảng 389,4 nghìn tỷ đồng, bằng 3,4% GDP, giảm 10 nghìn tỷ đồng so dự toán, do giảm chi nguồn vốn vay của ngân sách địa phương.

Con số nêu trên càng có ý nghĩa khi số thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm, gia hạn trong năm nay ước khoảng 189,6 nghìn tỷ đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Xây dựng dự toán năm 2025 ở mức tích cực

Linh hoạt chính sách tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô

Năm 2025, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ trình Quốc hội dự toán thu NSNN là 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024, tỷ lệ huy động vào NSNN đạt khoảng 16% GDP. Dự toán chi NSNN năm 2025 là 2.548,9 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ dự kiến bố trí đảm bảo các nguyên tắc: ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển ở mức tích cực; bố trí chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn; dự toán chi dự phòng, dự trữ quốc gia ở mức hợp lý để kịp thời xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Dự toán bội chi NSNN năm 2025 là 471,5 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8% GDP. Đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ công khoảng 36 - 37% GDP, nợ chính phủ khoảng 34 - 35% GDP, trong phạm vi được Quốc hội cho phép.

Phát biểu tại Quốc hội mới đây, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, mức dự toán nêu trên là tích cực, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Tuy nhiên, Bộ Tài chính luôn phấn đấu thực hiện cho được các chỉ tiêu về tài chính – NSNN, nhằm có nguồn để chi trả tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và các chính sách an sinh xã hội khác. Đồng thời, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, chính trị quan trọng.

Nhìn chung, dự toán thu NSNN được xây dựng ở mức tích cực trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức cao, thu từ ba khu vực sản xuất kinh doanh đều tăng so với ước thực hiện năm 2024... Dù vậy, nền kinh tế còn những rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thời gian qua chậm, ảnh hưởng đến thực hiện dự toán các nguồn thu này.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, trong điều hành, căn cứ vào các tình hình thực tế, Bộ Tài chính sẽ chủ động nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp chính sách tài khóa chủ động, tích cực để cùng với chính sách hỗ trợ và các chính sách vĩ mô khác góp phần hỗ trợ kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước thực sự bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tháo gỡ điểm nghẽn bằng thể chế

Các giải pháp chính sách tài khóa thời gian qua, kể cả qua điều chỉnh chính sách thu hay tăng chi ngân sách đều được triển khai bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện để có điều chỉnh ngay trong quá trình thực hiện, nên được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước tin tưởng, ủng hộ. Qua đó, không chỉ góp phần đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, hỗ trợ phục hồi kinh tế, mà còn đưa Việt nam trở thành điểm sáng trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội.

Việc triển khai chính sách tài khóa mở rộng trong một thời gian khá dài (2020-2024) một mặt đã có tác động tích cực giúp nền kinh tế phục hồi và bước vào quỹ đạo tăng trưởng cao. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, chúng ta cũng phải đối mặt với áp lực kiểm soát lạm phát. Vì vậy, chính sách tài khóa trong năm tới nên chuyển về trạng thái bình thường.

Sở dĩ ngành Tài chính đã khéo léo trong điều hành chính sách tài khóa để đạt đa mục tiêu. Trong đó, thu NSNN tăng nhưng không ảnh hưởng tới “sức khỏe” của doanh nghiệp là do các cơ quan thu của Bộ Tài chính đã quản lý chặt chẽ các nguồn thu, nhất là thu hoạt động kinh doanh thương mại trong một số lĩnh vực như: xăng dầu, kinh doanh vàng, ăn uống, kinh doanh thương mại điện tử… Đồng thời, thực hiện thu hồi nợ thuế, tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại, thu đúng, thu đủ về NSNN.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tập trung vào việc hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng. Căn cứ vào các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu của Chiến lược tài chính quốc gia, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, Chính phủ đang giao Bộ Tài chính rà soát, báo cáo, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều Luật thuế; trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật có liên quan đến tài chính - ngân sách nhà nước. Mục đích cao nhất là nhằm triệt để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thể chế cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân thực hiện các hoạt động thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.