![]() |
Nâng mức xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm để tăng tính răn đe. Ảnh tư liệu |
Số vụ vi phạm an toàn thực phẩm ngày càng tăng
Vấn nạn vi phạm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm xảy ra trong thời gian qua và gần đây đã gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng. Chỉ riêng Hà Nội, từ năm 2021 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội (trước đây là Cục Quản lý thị trường) đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 2.256 vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm và liên quan đến an toàn thực phẩm; phạt hành chính tổng số tiền hơn 31,6 tỷ đồng; xử lý buộc tiêu hủy số tang vật, hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm trị giá gần 56,7 tỷ đồng.
Siết chặt công tác bảo đảm an toàn thực phẩmBộ Công thương vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Đồng thời, nêu cao vai trò sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. |
Theo số liệu của Bộ Công thương, cả năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ, phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, thu nộp ngân sách trên 541 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2024 cơ quan này đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm; đã xử lý 9.043 cơ sở, trong đó phạt tiền 6.658 cơ sở với số tiền phạt hơn 33,53 tỷ đồng.
Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 8.959 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong năm 2024, tăng 1.854 vụ so với năm 2023 với 8.978 đối tượng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, khởi tố 62 vụ, 97 bị can. Trong đó, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm 43 vụ; tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm 9 vụ; các tội khác liên quan đến thực phẩm 10 vụ. Xử phạt vi phạm hành chính 8.374 vụ; tổng tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 36,1 tỷ đồng…
Mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường nhưng trên thực tế, số vụ vi phạm còn nhiều. Nhận thức và ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của một bộ phận doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan chưa cao…
Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm đã yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm an toàn thực phẩm.
Đề xuất tăng mức xử phạt
Bộ Y tế và Bộ Công an vừa họp bàn xem xét tăng chế tài xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm. Hai bộ dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới, trong đó có nội dung về tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm an toàn thực phẩm, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Bộ Công an, để đảm bảo tính răn đe, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, cơ quan soạn thảo là Bộ Công an đề xuất tăng mức phạt tiền với hơn 160 tội danh trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Mức đề xuất tăng phổ biến là gấp đôi. Hai tội nằm trong nhóm bị nâng mức phạt cao nhất là tội phạm môi trường, vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại và vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317), đều được đề xuất tăng tiền phạt gấp 6 lần.
Cụ thể, hành vi dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm bị cấm sử dụng, ngoài danh mục được dùng trong thực phẩm, hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; hành vi sử dụng động vật chết, có nguồn dịch bệnh bị buộc tiêu hủy để chế biến, buôn bán thực phẩm; nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm có chất phụ gia, chất cấm... có thể bị phạt 300 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, tùy số tiền thu lợi và tính chất nghiêm trọng. Hiện tiền phạt với tội này đang ở mức 50 - 500 triệu đồng.
Dự thảo cũng đề xuất nâng mức phạt tù tối thiểu với người phạm tội này từ 1 năm lên thành 3 năm. Khung hình phạt nhẹ nhất, do đó chuyển từ 1 - 5 năm lên tới 3 - 7 năm…
Người dân cũng cho rằng, tăng mức phạt lên mức cao nhất như truy tố hình sự đối với các cá nhân tạo ra thực phẩm không an toàn như vậy mới đúng nghĩa là răn đe.
Theo ông Nguyễn Văn Nhiên - chuyên gia về an toàn thực phẩm, việc tăng mức xử phạt là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn thực phẩm. Để gia tăng sức răn đe đối với hành vi gây mất an toàn thực phẩm ngoài các quy định trong luật, việc triển khai trong thực tế cũng cần phải thực hiện một cách nghiêm túc. Ngoài việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật đến tất cả các nhóm đối tượng trong xã hội, đồng bộ tất cả ngành, chức năng có liên quan...
Về phía địa phương, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, cùng với việc tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục giám sát chặt chẽ và yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định và chế tài xử lý để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao nhận thức về lựa chọn thực phẩm an toàn./.