Báo cáo thu, chi tiền công đức của các di tích chưa phản ánh hết thực tế
Việc công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản quét mã QR đang phát triển nhanh, được nhiều người lựa chọn. Ảnh tư liệu

Có cơ sở thu 2 tháng cao hơn mức khoán cả năm 1,7 lần

Thông tin từ Bộ Tài chính, sau hơn 1 năm triển khai Thông tư 04/2023/TT-BTC (Thông tư 04) ngày 19/1/2023 hướng dẫn quản lý, thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, theo báo cáo từ các địa phương, việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích đã và đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng từng bước công khai, minh bạch hơn.

Báo cáo thu, chi tiền công đức của các di tích chưa phản ánh hết thực tế

Hành lang pháp lý để quản lý tiền công đức minh bạch

Tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa là nguồn tài chính rất quan trọng, đóng góp tích cực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc ban hành Thông tư 04 góp phần tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội cho việc đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng theo đúng quy định của pháp luật.

Bà Vũ Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính)

Đơn cử, người đại diện hoặc ban quản lý di tích đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc tiếp nhận, kiểm đếm và quản lý thu chi, bảo đảm công khai, minh bạch. Tiêu biểu là tại di tích quốc gia Đền Chợ Củi ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, trước đây, địa phương thực hiện giao khoán thu tiền công đức cho hộ gia đình theo mức 2,5 tỷ đồng/năm; từ năm 2024 thực hiện theo Thông tư 04, số thực thu trong 2 tháng đầu năm 2024 đã hơn 4,3 tỷ đồng, cao hơn mức khoán cả năm 1,7 lần.

Điểm nổi bật là việc công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản quét mã QR đang phát triển nhanh, được nhiều người lựa chọn như một thói quen khi đến di tích như: Đền Voi Phục, Đền Quán Thánh ở quận Ba Đình, Hà Nội; Đền Cửa Ông ở Quảng Ninh; Đền Hùng ở Phú Thọ; Đền Bảo Hà ở Lào Cai; Đền Chợ Củi ở Hà Tĩnh...

Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, theo báo cáo của địa phương, số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ.

Tại các di tích là cơ sở tôn giáo về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31%, tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo; trong số này có nhiều chùa thuộc sở hữu chung của cộng đồng đã được UBND cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê để phục vụ cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích không báo cáo, với lý do là việc địa phương đưa chùa vào danh mục kiểm kê di tích không có ý kiến nhà chùa.

Đến nay, Thông tư 04 mới triển khai được hơn 1 năm, cần có thời gian để các địa phương ban hành văn bản quy định về quản lý, thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; người đại diện và ban quản lý di tích điều chỉnh các hoạt động về quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ theo quy định tại Thông tư này - bà Yến cho hay.

Theo đại diện Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục lắng nghe, nắm bắt tình hình thực hiện, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của các địa phương trong thời gian tới. Trường hợp phát sinh vướng mắc liên quan đến quy định tại Thông tư 04 sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Tăng cường tuyên truyền để tự giác kê khai tiền công đức

Cũng theo bà Vũ Thị Hải Yến, Thông tư 04 đã quy định chế tài về việc công khai các khoản thu, chi tiền tài trợ công đức, chế độ báo cáo, kiểm tra, giám sát.

Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 18 quy định: “Chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm công khai việc thu, chi các khoản công đức, tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho tổ chức, cá nhân đã có đóng góp tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích nếu tổ chức, cá nhân này có yêu cầu; cung cấp kịp thời thông tin khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu”.

Tại Khoản 1 Điều 16 quy định: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy định về tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn, trong đó quy định công tác kiểm tra, giám sát thực hiện; chế độ báo cáo và phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị tại địa phương”.

Việc kiểm tra tổng thể quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích năm 2023 đã cung cấp bức tranh tổng thể về số lượng, loại hình di tích trên toàn quốc và của từng địa phương; số thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, số di tích có báo cáo và số di tích chưa có báo cáo số liệu.

Trên thực tế, các địa phương đều nắm được cụ thể cơ sở chưa tự giác kê khai, tuy nhiên, đây là năm đầu tiên thực hiện theo quy định tại Thông tư 04 nên vẫn còn có những cơ sở chưa có đầy đủ thông tin, thậm chí không biết mình thuộc đối tượng phải kê khai, báo cáo do địa phương đưa cơ sở vào danh mục kiểm kê di tích nhưng không lấy ý kiến của cơ sở đó.

Vì vậy, theo bà Vũ Thị Hải Yến, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch nhằm loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Các địa phương tiếp tục có văn bản yêu cầu các cơ sở chưa báo cáo thực hiện báo cáo theo quy định. Trường hợp cần thiết, các địa phương có thể thực hiện công khai danh sách các cơ sở không báo cáo để người dân và các tổ chức, cá nhân công đức, tài trợ cùng giám sát./.