Áp thuế với phân bón hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, nông dân
Hoàn thuế đầu vào, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước giảm giá bán. Ảnh tư liệu

Doanh nghiệp có động lực đổi mới

Với đa số đại biểu tán thành, ngày 26/11 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được sửa đổi, bổ sung theo hướng hoàn thiện quy định về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện. Luật còn góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.

Đồng thời, khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan.

Một trong những điểm mới của Luật là quy định thuế suất thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản.

Bày tỏ niềm vui khi Quốc hội chính thức thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), ông Lê Văn Ngân - Chánh Văn phòng Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, việc áp thuế GTGT 5% sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được khấu trừ đầu vào, doanh nghiệp sẽ có động lực đầu tư vào dây chuyền sản suất mới, hiện đại.

Vị chuyên gia này cho rằng, khi áp dụng quy định thuế GTGT 5% chắc chắn doanh nghiệp sẽ đầu tư vào công nghệ, từ đó giúp Việt Nam có thêm các sản phẩm phân bón thế hệ mới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là một nước nông nghiệp, nông dân chiếm phần lớn. Khi đó, sẽ có những cải tiến về năng suất, chất lượng nông sản, sản phẩm của Việt Nam đi ra thế giới sẽ dễ dàng hơn. Vì vậy, việc áp thuế GTGT 5% sẽ giúp doanh nghiệp có động lực đổi mới, để phân bón Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp phân bón thế giới và doanh nghiệp nhập khẩu phân bón.

Giá thành phân bón giảm, nông dân được lợi

Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, khi áp dụng thuế GTGT 5% thay vì miễn thuế phân bón sẽ có nhiều lợi ích.

Thứ nhất, nông dân sẽ được hưởng lợi, bởi doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế đầu vào nên chi phí đầu tư giảm, giá thành sản xuất sẽ giảm đi, từ đó sẽ giảm giá phân bón.

Thứ hai, doanh nghiệp có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón có hàm lượng kỹ thuật cao, làm tăng năng suất và hiệu quả của sản xuất sẽ làm tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm, do đó tăng hiệu quả công tác trồng trọt một cách bền vững.

Thứ ba, nhà nước thu được một khoản thuế từ mặt hàng phân bón nên có thêm điều kiện để tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học..., sẽ làm cho người nông dân tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong nước.

Phân tích thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho biết, về lý thuyết, áp thuế GTGT sẽ khiến giá phân bón tăng, nhưng ngược lại khi mặt hàng phân bón chịu thuế GTGT đầu ra là 5%, thì các khoản thuế GTGT đầu vào sẽ được hoàn và doanh nghiệp sẽ hưởng lợi do ghi nhận giảm chi phí so với các năm trước.

“Việc được hoàn thuế đầu vào, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước giảm giá bán, từ đó tăng cạnh tranh với các sản phẩm phân bón nhập khẩu vốn trước đây có lợi thế về giá thành so với phân bón sản xuất trong nước. Còn các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón không bị ảnh hưởng lớn bởi thay đổi luật thuế này do thuế suất đầu vào và đầu ra đều là 5%, lợi nhuận không thay đổi” - ông Được phân tích thêm.

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, TS. Nguyễn Văn Hiến - Chuyên gia kinh tế phân tích, chi phí nguyên vật liệu đầu vào thường chiếm 50 - 80% tổng chi phí sản xuất và chịu thuế GTGT từ 5 - 10%. Việc được khấu trừ thuế GTGT sẽ giảm áp lực tài chính đáng kể cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, vì thế sẽ giảm được giá bán ra để tăng tính cạnh tranh hơn trên thị trường. Người tiêu dùng cuối cùng là nông dân được lợi vì giá cả ổn định.

Doanh nghiệp trong nước có dư địa để giảm giá bán

Áp thuế với phân bón hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, nông dân

“Việc áp dụng thuế suất 5% có tác động nhất định đến giá bán phân bón trên thị trường, làm tăng giá thành phân bón nhập khẩu (hiện chỉ chiếm 26,7% thị phần) nhưng sẽ làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%). Các doanh nghiệp trong nước có dư địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế không thay đổi” - ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín.