Kinh tế vĩ mô có nhiều điểm sáng - còn nhiều dư địa cho nhà đầu tư

Theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng, Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, gần đây, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài sang thăm và đánh giá cao về triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam thời điểm hiện nay và thời gian tới.

Vĩ mô sẵn sàng cho
Các chuyên gia trao đổi tại Talkshow Hành trình Quỹ mở. Ảnh: Gia Linh

So với thời điểm trước dịch COVID-19, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam 4 năm qua tăng khoảng 15%. Việt Nam, Trung Quốc và Malaysia là 3 nước phục hồi rất tích cực sau dịch.

6 tháng đầu năm, GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,42%. Mục tiêu cả năm, Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu tăng trưởng cận trên khoảng 7%, cận dưới là 6,5%. Kể cả dự báo thận trọng, năm nay Việt Nam vẫn tăng trưởng mức khoảng 6,5%, thuộc top 5 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Năm 2023 được đánh giá là một năm khó khăn với cả thế giới và đối với cả Việt Nam. Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, năm nay GDP thế giới đang đi ngang khi tăng trưởng 2,6%, riêng Việt Nam ghi nhận vẫn đang phục hồi rất tích cực.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cao sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7%, đến năm 2030 phấn đấu nước có thu nhập trung bình ít nhất từ 8.000 - 12.000 USD /người/năm trở lên. “Chúng tôi đánh giá cơ bản có thể đạt được nếu 5 năm tới có thể duy trì tăng trưởng GDP 6,5%/năm” - ông Lực cho biết.

Theo khảo sát của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các mục tiêu đặt ra là có tính khả thi, đồng thời dự báo từ nay tới 2030, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ít nhất 6,42%.

Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia kiểm soát lạm phát khá tốt trong 3 năm qua, từ 3 - 3,5%, năm nay dự báo khoảng 4%, năm 2025 dự báo 3,5 - 4% và duy trì 3 - 4% tới 2030.

Nhìn lại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang còn rất non trẻ (24 năm), trong khi trên thế giới đã phát triển 80 - 100 năm. Theo đó, tiềm năng phát triển trong tương lai là rất lớn đến từ quy mô vốn hóa còn nhỏ, thị trường cổ phiếu chỉ mới khoảng 60% GDP năm 2023, tính cả trái phiếu là 90%. Theo chiến lược phát triển TTCK mà Thủ tướng ban hành năm 2023, mong muốn vốn hoá thị trường cổ phiếu 2025 là tương đương 100% GDP, năm 2030 là 120% GDP.

Đến thời điểm hiện tại, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt gần 8 triệu tài khoản, tương ứng khoảng 8% dân số. Trong khi các nước trên thế giới như Mỹ, Đài Loan tỷ lệ tham gia là 50 - 55%, còn Trung Quốc là 25 - 30%; bên cạnh đó, nhà đầu tư tổ chức tham gia còn rất ít. Do đó, dư địa để phát triển thị trường chứng khoán là rất lớn.

“Bức tranh vĩ mô và hiện trạng thị trường chứng khoán là điều kiện thuận lợi tạo ra cơ hội đầu tư khả quan cho các nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế.” - ông Lực cho biết.

6 tháng cuối năm sẽ bắt đầu con sóng thăng hoa của thị trường chứng khoán

Về bức tranh TTCK sắp tới, ông Nguyễn Đông Hải - Phó chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Thành Công, Tổng giám đốc Quản lý quỹ TCAM cho rằng, chứng khoán cũng có chu kỳ và chu kỳ 4 năm này rất rõ nét.

Cụ thể, nhìn lại TTCK 2017, 2020 và 2023 - 2024, mỗi mốc tương ứng với 1 chu kỳ 4 năm. Giữa năm 2016, VN-Index ghi nhận hơn 500 điểm, tạo đỉnh 1.200 điểm vào 2018, năm 2020 giảm về 600 điểm, từ 2020 - 2022 tăng lên đỉnh mới là 1.500 điểm. Cuối năm 2022 giảm mạnh về tới gần 900 điểm. Thời điểm hiện tại lại đang loanh quanh 1.250 điểm.

Theo ông Hải, chu kỳ 4 năm này đã bắt đầu lại từ năm 2023 nhưng điểm thăng hoa vẫn chưa xảy ra, dự báo điểm thăng hoa sẽ rơi vào cuối năm 2024 - 2025. Nguyên nhân do chu kỳ hạ giảm lãi suất của toàn cầu đang bắt đầu.

Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 6. Bên cạnh đó, dự báo cuối năm nay Ngân hàng Trung ương của Mỹ (FED) sẽ giảm lãi suất đó chính là yếu tố dẫn dắt cho nguồn tiền giá rẻ quay ngược trở lại thị trường chứng khoán.

"Với những tin tức tích cực và bức tranh vĩ mô rất sáng, 6 tháng cuối năm sẽ là thời điểm bắt đầu của con sóng thăng hoa của thị trường chứng khoán." - ông Hải nhận định.

Vĩ mô sẵn sàng cho
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ về các nguyên tắc quản trị rủi ro trong đầu tư. Ảnh: Gia Linh

Về việc quản trị rủi ro trong đầu tư, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ về nguyên tắc 5 chữ "Đ” đến nhà đầu tư. Đầu tiên là "Điều chỉnh", sau giai đoạn tăng nóng thì thị trường sẽ điều chỉnh về nguội lạnh. Thứ hai là "Đòn bẩy", dùng đòn bẩy tài chính vừa phải. Thứ ba là "Đám đông", phải có nhận định và cách riêng, hạn chế theo đám đông. Thứ tư là "Đầu cơ", đầu cơ cực kỳ nguy hiểm, nên nhớ chứng khoán là đầu tư chứ không phải đầu cơ. Thứ năm là "Đa dạng hóa", đa dạng hóa danh mục đầu tư là điều cực kỳ quan trọng để phân tán và quản trị rủi ro, nên phân bổ nguồn tiền vào chứng khoán, bất động sản, các tài sản khác.

Ở nguyên tắc thứ 5, ông Lực cho rằng: “Đầu tư thông qua quỹ mở là lựa chọn đáng cân nhắc. Tại Việt Nam hiện nay có khoảng 99 quỹ đầu tư nhưng chỉ có từ 20 - 30 quỹ chuyên nghiệp. Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, có khoảng 700 nghìn tỷ tài sản mà nhà đầu tư đang ủy thác cho các quỹ, con số này quá nhỏ so với quy mô toàn thị trường".

Trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng nhà đầu tư chứng khoán ngày càng tăng. Theo đó, sự quan tâm thị trường chứng khoán lớn sẽ kéo theo song hành những nhà đầu tư tham gia quỹ mở khi họ chưa đủ kiến thức hoặc không có trải nghiệm nhưng vẫn muốn đầu tư.

Theo Công ty Chứng khoán Thành Công, tăng trưởng kinh tế đang dần hồi phục, mặt bằng lãi suất vẫn giữ mức thấp và dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam vẫn là những yếu tố tích cực để thị trường chứng khoán tiếp tục là một kênh đầu tư hấp dẫn trong trung và dài hạn. Còn với quỹ mở, nhờ kết quả tăng trưởng hơn gấp 3 lần so với chỉ số VN – Index trong nửa đầu năm dự báo sẽ bồi đắp niềm tin cho các nhà đầu tư khi tham gia góp vốn vào các quỹ mở trong thời gian tới.