Những năm qua, ngành Tài chính đã nỗ lực ban hành nhiều văn bản tạo thuận lợi cho DN phát triển
Để có cái nhìn rõ hơn về nhiệm vụ này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính.
PV: Ngày Pháp luật Tài chính 28/8 là một hoạt động thường niên, được Bộ Tài chính tổ chức từ trước khi Luật Phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu lực thi hành. Ông đánh giá thế nào về vai trò của việc phổ biến pháp luật đối với ngành Tài chính?
Ông Ngô Hữu Lợi: Phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Với nhận thức về tầm quan trọng của công tác này, những năm qua Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác pháp luật với những giải pháp thiết thực.
|
Ngay từ cuối năm 2010, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo lấy ngày 28/8 là Ngày Pháp luật Tài chính.
Theo đó, hàng năm vào ngày này toàn Ngành đều tổ chức sinh hoạt, tọa đàm đánh giá kết quả công tác thi hành pháp luật, tổ chức các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp… nhằm thúc đẩy nhiệm vụ xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế về pháp luật tài chính. Đây chính là tiền đề để Bộ Tài chính triển khai Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam (9/11) thực chất và hiệu quả. Theo đó, trong chỉ đạo, điều hành công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản (QPPL) tài chính thời gian qua, Lãnh đạo Bộ Tài chính luôn xác định việc triển khai Ngày Pháp luật Nước CHXHCN Việt Nam và Ngày Pháp luật Tài chính là một trong những giải pháp để thúc đẩy các hoạt động xây dựng pháp luật, xử lý vướng mắc trong thực hiện văn bản QPPL và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Vì vậy, trong Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm luôn quy định rõ các hoạt động triển khai Ngày Pháp luật để các đơn vị chủ động trong chuẩn bị thực hiện tốt nhiệm vụ này.
PV: Ông có thể điểm lại những kết quả mà Bộ Tài chính đã đạt được thông qua việc triển khai hiệu quả Ngày Pháp luật?
Ông Ngô Hữu Lợi: Triển khai Ngày Pháp luật nói chung không chỉ đơn thuần là hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật mà trọng tâm là hướng tới công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính. Chính vì thế kể từ khi triển khai Ngày Pháp luật Tài chính (năm 2010) đến nay, nhất là sau đó năm 2013 lại gắn với triển khai Ngày Pháp luật Nước CHXHCN Việt Nam, công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế tài chính được đẩy mạnh và hoàn thành với khối lượng rất lớn (từ năm 2010 đến nay Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua 22 luật, cho ý kiến 1 dự án luật; trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 12 nghị quyết; đồng thời đã trình Chính phủ ban hành 158 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 127 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 1.699 thông tư, thông tư liên tịch.
Với những kết quả đạt được trong việc triển khai pháp luật như đã nêu trên cho thấy, thông qua các hoạt động triển khai trong Ngày Pháp luật đã thúc đẩy, lan tỏa tinh thần phấn đấu, hoàn thành tốt công tác xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật tài chính, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi pháp luật tài chính.
PV: Thưa ông, với Ngày Pháp luật năm 2017, Bộ Tài chính đã có những bước triển khai như thế nào?
Ông Ngô Hữu Lợi: Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, trọng tâm của các hoạt động hướng đến Ngày Pháp luật Nước CHXHCN Việt Nam là triển khai và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng chính sách, văn bản QPPL; thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp...
Đây cũng là những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính trong việc triển khai Ngày Pháp luật Tài chính và Ngày Pháp luật Nước CHXHCN Việt Nam. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã lựa chọn khẩu hiệu trong thời gian thực hiện Ngày Pháp luật là: "Cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính tích cực, chủ động cải cách và hoàn thiện thể chế tài chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia".
Đối với ngành Tài chính, những năm qua luôn gắn việc triển khai Ngày Pháp luật Nước CHXHCN Việt Nam với việc triển khai Ngày Pháp luật Tài chính, theo đó, thời gian để triển khai các hoạt động dự kiến xuyên suốt từ 15/8 đến 30/11/2017. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian này là xây dựng thể chế với việc trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và trình Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Bảo vệ môi trường tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017); trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) và nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng 3 dự án luật trình Chính phủ thông qua để kịp thời đề xuất bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Thu nhập cá nhân và Luật thuế Tài nguyên; Luật thuế Tài sản và Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Bên cạnh đó, kịp thời xây dựng các nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để trình Chính phủ ký ban hành, có hiệu lực cùng với thời điểm thi hành Luật.
Song song với việc khẩn trương xây dựng các văn bản pháp luật về tài chính nêu trên, tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, tập huấn về các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các văn bản QPPL do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành trong thời gian qua. Cụ thể như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các nghị định của Chính phủ được ban hành trong năm 2017. Ngoài ra, sẽ kịp thời thông tin pháp luật và đối thoại giải đáp chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người nộp thuế, người khai hải quan. Đẩy mạnh hoạt động giải đáp, xử lý dứt điểm các vướng mắc trong thực hiện các văn bản QPPL và TTHC...
PV: Xin cảm ơn ông
Việt Anh – Sâm Linh