Tiền nhà nước đầu tư đến đâu phải quản lý đến đó

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang nắm giữ một khối lượng tiền vốn tài sản rất lớn, tuy nhiên hoạt động kém hiệu quả so với các doanh nghiệp tư nhân. Một trong những nguyên nhân là cơ chế quản lý đối với DNNN hiện nay chưa phù hợp, chồng chéo và trói buộc các doanh nghiệp.

Tránh để
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Do đó, đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật và nhấn mạnh một số điểm cần phải hoàn thiện ở dự thảo luật.

Tại Điều 5 dự thảo, đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá cao quy định nguyên tắc vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp là vốn pháp nhân của doanh nghiệp. Với nguyên tắc này, việc quản lý, sử dụng vốn tại doanh nghiệp là quyền của doanh nghiệp, chứ không phải được quản lý như vốn ngân sách. Do đó, phải bỏ các quy định đang áp dụng như áp dụng của Luật Đầu tư công trong thẩm quyền quyết định đầu tư và trả lại quyền tự quyết định của doanh nghiệp.

Trước hết, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo quy định đối tượng áp dụng với DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Theo đại biểu, điều này chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu tiền nhà nước đầu tư đến đâu phải quản lý đến đó.

Do vậy, đại biểu đề nghị cần mở rộng đối tượng, đưa các yêu cầu có tính nguyên tắc vào quản lý, giám sát đối với cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư dưới 50% và những doanh nghiệp F2, F3 là những doanh nghiệp do DNNN đầu tư vốn.

Về phân phối lợi nhuận, cơ chế phân phối lợi nhuận theo dự thảo quy định sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp kinh doanh tốt, có lợi nhuận nhiều vì tất cả đều chỉ được trích tối đa 3 tháng tiền lương để đưa vào quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi.

Đại biểu cho rằng, việc phân phối lợi nhuận trước hết phải dành để thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao như tăng vốn, trích nộp ngân sách, trích lập các quỹ tích lũy để phát triển, trích lập quỹ dự phòng, phần còn lại sẽ được phân phối cho người lao động. Như vậy, người lao động sẽ được hưởng theo thành quả, nếu lợi nhuận còn lại nhiều thì được hưởng nhiều, lợi nhuận ít sẽ được hưởng ít.

Tránh để
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ)

Đánh giá cao tờ trình của Chính phủ với các cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn rõ ràng, đầy đủ và chặt chẽ, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) cũng góp ý một số nội dung quan trọng cho dự thảo.

Theo đại biểu, luật có 5 loại cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể được giao là chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, các tổ chức chính trị… Đây là các cơ quan quản lý nhà nước, hoặc hoạt động mang tính hành chính trong bộ máy chính trị.

Do vậy, mặc dù Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập từ năm 2018 nhằm tách bạch chức năng cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động của các cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước vẫn mang tính chất hành chính, cơ cấu tổ chức theo ngành, lĩnh vực mà chưa gắn với quản lý theo chuyên môn điều hành doanh nghiệp.

Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và những yếu tố đặc thù riêng của Việt Nam, đại biểu cho rằng cần phải xác định rõ mô hình của cơ quan này là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước hay là một dạng quỹ đầu tư của Chính phủ để từ đó xác định quyền và trách nhiệm cho phù hợp và hiệu quả.

Xây dựng mô hình quản lý theo quy mô, tính chất doanh nghiệp

Bên cạnh đó, với xu hướng tiếp tục thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần chi phối hoặc nắm giữ, chỉ tập trung vào các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo, thiết yếu, trong lĩnh vực mà doanh nghiệp ngoài Nhà nước không làm, cần có các quy định tại dự án luật về phân định, có sự khác nhau về thẩm quyền, cách thức quản lý đối với các nhóm doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong nền kinh tế…

Hiện nay, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra, các quy định tại dự án luật về cách thức, mô hình quản lý đầu tư vốn với tất cả các DNNN là đồng nhất, không có sự phân biệt dù trên thực tế, mức độ quan trọng, phức tạp theo ngành nghề của các DNNN rất khác nhau, nhất là về quy mô vốn và trình độ về khoa học - công nghệ.

Quản trị doanh nghiệp cũng là vấn đề đại biểu nhấn mạnh phải hoàn thiện. Từ mô hình quản trị hiệu quả được nêu tại Bộ hướng dẫn về quản trị DNNN của OECD, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị nghiên cứu, xem xét, bổ sung một số nguyên tắc phù hợp với Việt Nam như: mọi trách nhiệm và nghĩa vụ của DNNN về dịch vụ công ích và trách nhiệm xã hội cần được thể chế hóa rõ ràng, công khai, các chi phí liên quan phải được hoàn trả theo phương thức tường minh; tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho các cơ quan chủ sở hữu, đặc biệt đối với các công ty cổ phần, hết sức hạn chế can thiệp có tính chất hành chính vào hoạt động điều hành của các DNNN; cơ chế tuyển dụng nhân sự, quản lý, điều hành gắn với hiệu quả công việc.

Tránh để
Đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên Huế)

Đồng tình với vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, cần bổ sung các nguyên tắc, cơ sở tham chiếu về quản trị doanh nghiệp theo các thông lệ quốc tế như bộ hướng dẫn của OECD.

Ngoài ra, đại biểu nhận xét dự thảo còn có một số thủ tục hành chính phức tạp, quy định về đầu tư vốn nhà nước còn rườm rà; một số nội dung còn phải xin ý kiến từ nhiều cấp, ảnh hưởng đến tính chủ động, đến cơ hội của doanh nghiệp…

“Trong bối cảnh môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng, cần phải có những quy định để giúp cho doanh nghiệp có thể thích nghi, thích ứng được với môi trường kinh doanh hiện nay trên thế giới thay đổi liên tục như vậy” - đại biểu đề nghị.

Theo đại biểu Nguyễn Hải Nam, mô hình quản lý phải phù hợp với quy mô, tính chất của doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp đang được áp dụng cùng một mô hình quản lý, kể cả quy mô lớn cũng như quy mô nhỏ. Trong khi đó, doanh nghiệp tập đoàn lớn cần mô hình quản lý cụ thể hơn, chặt chẽ hơn. Theo đại biểu, đây là vấn đề Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng đã khuyến nghị, tránh việc “một chiếc áo" mặc cho tất cả mọi người như nhau.