Thu ngân sách gần “về đích”, đạt hơn 97% dự toán
Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước. Ảnh tư liệu
Infographics: Tổng quan bức tranh ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2024

Thu nội địa ước đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 10 ước đạt 178,5 nghìn tỷ đồng, bằng 10,5% dự toán, tăng 8,8% so mức thu bình quân 9 tháng năm 2024 (164 nghìn tỷ đồng/tháng).

Đã miễn, giảm, gia hạn khoảng 149,1 nghìn tỷ đồng

Cơ quan Thuế, Hải quan trong tháng 10 tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành; đồng thời miễn, giảm, gia hạn thuế theo quy định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính hết tháng 10 khoảng 149,1 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 78,3 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 70,8 nghìn tỷ đồng).

Trong đó: Thu nội địa ước đạt 154,1 nghìn tỷ đồng, bằng 10,7% dự toán, tăng 13,3% với mức thu bình quân 9 tháng (136 nghìn tỷ đồng/tháng), cao hơn khoảng 60 nghìn tỷ đồng so với thu tháng trước. Thu từ dầu thô tháng 10 ước đạt 4,8 nghìn tỷ đồng, bằng 10,4% dự toán, giảm 1,9% so với mức thu bình quân 9 tháng (4,89 nghìn tỷ đồng/tháng). Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 10 ước đạt khoảng 19,5 nghìn tỷ đồng. Số thu nội địa trong tháng 10 tăng chủ yếu do một số khoản thu phát sinh trong quý III theo chế độ được kê khai nộp NSNN trong quý IV (như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh, thu từ cổ tức, lợi nhuận...).

Lũy kế 10 tháng thu NSNN ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 101,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 92,7% dự toán), tăng 17,3% so cùng kỳ năm 2023 (không kể yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất thì tăng 14,5% so cùng kỳ).

Trong đó, tính đến hết tháng 10, thu nội địa ước đạt 1.377,6 nghìn tỷ đồng, bằng 95,4% dự toán, tăng 18,1% so cùng kỳ năm 2023; không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa ước đạt 95,9% dự toán, tăng 11,8% so cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng, thu từ dầu thô ước đạt khoảng 48,9 nghìn tỷ đồng, bằng 106,2% dự toán, giảm 6% so cùng kỳ năm 2023. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 227,2 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán, tăng 18,9% so cùng kỳ năm 2023.

55 địa phương có tăng trưởng thu so cùng kỳ

Trong số thu nội địa, có một số khoản thu, sắc thuế tăng so với cùng kỳ năm 2024, như các khoản thu về nhà, đất ước thực hiện 10 tháng mới đạt 76% dự toán, song vẫn tăng 96,5% so cùng kỳ, trong đó một số địa phương đã tổ chức tốt công tác đầu giá đất, giao đất cho các dự án từ cuối năm 2023 và đã phát sinh số nộp ngay trong tháng đầu năm 2024.

Các khoản thu từ 3 khu vực sản xuất - kinh doanh (chiếm 50,9% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 90,8% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ, trong đó: thuế thu nhập doanh nghiệp (chiếm khoảng 47,8% tổng số thu từ khu vực sản xuất - kinh doanh) tăng 9,4% so với cùng kỳ do các doanh nghiệp đã tạm nộp 5/5 kỳ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng tăng 5,1% so với cùng kỳ, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 2,2% so với cùng kỳ…

Riêng khoản thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 98,7% dự toán, tăng 16,6% so với cùng kỳ, chủ yếu do tăng thu thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán. Đồng thời, cơ quan Thuế đã quyết liệt công tác quản lý thu thuế đối với các cá nhân có nhiều nguồn thu nhập, kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, tiếp thị liên kết, cá nhân kinh doanh online, livestream bán hàng...

Về số thu trên địa bàn, ước tính có 38 địa phương thực hiện thu nội địa 10 tháng đạt trên 88% dự toán; 55 địa phương có tăng trưởng thu so cùng kỳ.

Về chi NSNN, theo Bộ Tài chính, luỹ kế chi 10 tháng đạt khoảng 1.399,7 nghìn tỷ đồng, bằng 66% dự toán, tăng 4,1% so cùng kỳ năm 2023. Chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 355,6 nghìn tỷ đồng, bằng 52,5% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân ước đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm cả về giá trị (khoảng 46,2 nghìn tỷ đồng) và tỷ lệ so với cùng kỳ.

Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 10 tháng được thực hiện theo dự toán, tập trung đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản chi trả nợ đến hạn, đảm bảo chi trả kịp thời các khoản lương và các khoản có tính chất lương đến các đối tượng thụ hưởng NSNN, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chi phòng chống thiên tai.

Đáng chú ý, ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng năm 2024 là 19,5 nghìn tỷ đồng bổ sung kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và hỗ trợ cho các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, đột xuất, cấp bách; kinh phí phòng, chống dịch bệnh và khôi phục sản xuất sau thiên tai (trong đó bổ sung 430 tỷ đồng hỗ trợ 12 địa phương để khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và ổn định đời sống nhân dân).

Bên cạnh đó, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp gần 16,78 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân (trong đó khắc phục hậu quả cơn bão số 3 là 433 tấn).

Về cân đối NSNN, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 28/10, đã phát hành 298,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 11,1 năm, lãi suất bình quân 2,52%/năm./.