![]() |
Giải ngân 3 tháng ước đạt trên 16%
Các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững luôn được Đảng và Nhà nước xác định là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Những năm qua, cấp ủy chính quyền các cấp đã luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân để thực hiện tốt các CTMTQG.
Năm 2025, vốn đầu tư công các CTMTQG được Quốc hội quyết nghị và giao cho các bộ, ngành, địa phương là 25.405 tỷ đồng (bao gồm 25.200 tỷ đồng vốn trong nước và 205 tỷ đồng vốn nước ngoài). Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, thực hiện quy định tại Luật Đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã giao vốn cho dự án, nhiệm vụ thuộc 3 CTMTQG trên 21.962 tỷ đồng.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 28/2/2025, giải ngân vốn đầu tư công CTMTQG được gần 2.241 tỷ đồng, đạt 9,4% kế hoạch vốn giao (trong đó có 10 địa phương đạt kết quả cao và 12 địa phương giải ngân thấp). Ước đến hết tháng 3/2025 giải ngân được trên 3.836 tỷ đồng, đạt 16,1% kế hoạch.
Một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án thuộc CTMTQG đã được Bộ Tài chính chỉ ra. Đơn cử như một số nội dung thuộc các CTMTQG, đặc biệt là CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không có đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những nội dung này và phương án điều chỉnh nguồn lực sang thực hiện các nội dung khác chưa được giải quyết kịp thời đã làm chậm tiến độ giải ngân vốn các CTMTQG.
10 địa phương có kết quả giải ngân đạt cao Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 2/2025 có 10 địa phương có kết quả giải ngân vốn đầu tư công CTMTQG cao là: Thái Bình (23,5%);Vĩnh Long (19,8%); Phú Thọ (11,7%); Thanh Hóa (29,2%); Nghệ An (18,9%); Bình Định (21,7%); Ninh Thuận (24,9%); Hậu Giang (63,1%); Bạc Liêu (13,1%); Lâm Đồng (17,8%). |
Một số nội dung hỗ trợ của 2 CTMTQG (phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững) không còn đối tượng hỗ trợ (như: đối tượng đào tạo nghề, đối tượng tham gia các lớp tập huấn về hỗ trợ phát triển sản xuất…); hoặc đối tượng theo dự tính ban đầu đã đủ điều kiện ra khỏi đối tượng hỗ trợ của chương trình (như: xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện thoát nghèo…). Bên cạnh đó, định mức hỗ trợ thực hiện một số nội dung (hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng đào tạo nghề; mức hỗ trợ phát triển sản xuất) thuộc các CTMTQG còn thấp, không tạo sự khuyến khích các đối tượng tham gia thực hiện chương trình.
Một số địa phương chưa thực sự chủ động thực hiện công tác rà soát, chuẩn bị thủ tục đầu tư ngay từ khâu lập kế hoạch, gặp lúng túng khi áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu mới, nên còn mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư phê duyệt dự án, không kịp thời hoàn thiện thủ tục để đủ điều kiện phân bổ, giao kế hoạch. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương vẫn còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, chưa thực sự chủ động ban hành định mức hỗ trợ phát triển sản xuất ở phạm vi địa phương; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn…
Quỹ đất của một số địa phương để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân còn hạn chế, định mức hỗ trợ theo quy định để thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất rất thấp so với chi phí thực tế.
Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm 2025, các bộ, ngành, địa phương tập trung chủ yếu cho công tác kiện toàn, sắp xếp bộ máy tổ chức, chưa tập trung triển khai thực hiện, giải ngân vốn các CTMTQG.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Trong nhiều năm trở lại đây, nguồn vốn đầu tư công dành cho các CTMTQG đã được sử dụng rất hiệu quả với các kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế giúp xóa bỏ khoảng cách giữa đồng bằng, miền núi, thành thị và nông thôn.
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, do đó việc giải ngân nhanh vốn đầu tư công nói chung và vốn đầu tư công các CTMTQG càng có ý nghĩa thúc đẩy hoàn thành mục tiêu này.
Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các chủ chương trình (Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Dân tộc và Tôn giáo) khẩn trương thực hiện đôn đốc, kiểm tra, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập, hợp nhất tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại các cấp. Đảm bảo quá trình triển khai thực hiện các chương trình được liên tục, đồng bộ, hoàn thành mục tiêu 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025.
Các chủ chương trình, dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần (Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và UBND cấp tỉnh kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai của địa phương để hướng dẫn, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý cho địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Chủ động thực hiện công tác rà soát, ban hành, quyết định những vấn đề đã được phân cấp theo quy định hiện hành.
Một số đơn vị chưa phân bổ hết kế hoạch vốn chương trình mục tiêu quốc gia Tính đến hết ngày 28/3/2025, còn 10/50 đơn vị chưa phân bổ, phân bổ hết kế hoạch vốn được giao, giảm 15 đơn vị so với tháng 2/2025, trong đó 1/2 bộ, ngành và 9/48 địa phương chưa phân bổ hết vốn. Nguyên nhân được chỉ ra là do một số địa phương (Lai Châu, Điện Biên…) phân bổ chi tiết danh mục dự án đầu tư (không phân cấp theo cơ chế đặc thù). Dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, do đó chưa phân bổ vốn. Một số địa phương chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư (Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Tháp). Hơn nữa, do năm 2023 các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nên không được tiếp xúc hỗ trợ trong năm 2025. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt kết quả cao nhất (trên 95%) theo Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 18/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ và nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên, Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2025 phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục, phân bổ vốn; trường hợp đã phân bổ vốn, đề nghị gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương phân bổ vốn các CTMTQG theo đúng mục tiêu, đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ, đảm bảo thực hiện đúng quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG. |