![]() |
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng Đề án tổng thể về quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công. Ảnh tư liệu |
Hoàn thành đồng bộ, kết nối dữ liệu 415.000 tài sản công
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng Đề án tổng thể về quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công thuộc phạm vi quản lý, làm cơ sở từng bước hoàn thiện hoặc kiến nghị hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng tài sản công… Từ đó, phát huy các nguồn lực từ tài sản công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Ông Mai Công Quyền - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, theo tinh thần Nghị quyết số 04/NQ-CP của Chính phủ, thành phố đã chỉ đạo Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tham mưu đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công. Trong đó, đơn vị đã tham mưu cho HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết 09/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024 quy định về việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công và thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của TP. Hà Nội. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2023 - 2024, thành phố đã tích cực tham gia công tác sửa đổi bổ sung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đối với việc kiểm kê tài sản công. Thành phố đã hoàn thành về công tác đồng bộ và kết nối dữ liệu đối với 415.000 tài sản của các sở, ban, ngành, quận, huyện…
Bổ sung một số quy định đặc thù
"Trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, bổ sung một số quy định đặc thù về quản lý sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố như: cơ chế nhượng quyền khai thác sử dụng tài sản công; cơ chế về cho thuê liên doanh liên kết đối với tài sản công phù hợp với tình hình thực tiễn". Ông Mai Công Quyền - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội |
Cùng với việc từng bước hoàn thiện chính sách đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công, đề án này đã tập trung triển khai giải pháp xử lý dứt điểm từng nhóm nợ đọng nghĩa vụ tài chính của quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước và thành phố đã đôn đốc thu hồi được 227.9 tỷ đồng từ nợ đọng nghĩa vụ tài chính của quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước. Ngoài ra, Hà Nội đã rà soát, thống kê, đánh giá hiện trạng 8 quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố và có các giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý lĩnh vực này.
Hà Nội cũng đã từng bước tổ chức triển khai biện pháp thu hồi, khắc phục, xử lý nhiều cơ sở nhà, đất sử dụng không đúng quy định, tránh lãng phí như ban hành các văn bản, quyết định thu hồi, cưỡng chế thu hồi 113 địa điểm vi phạm. Thực tế, Sở Xây dựng đã chủ trì, phối hợp liên ngành tổ chức thu hồi được 56 địa điểm, UBND các quận, huyện đang thực hiện cưỡng chế thu hồi các địa điểm vi phạm còn lại… Thành phố cũng cơ bản hoàn thành công tác sắp xếp cơ sở nhà đất theo Nghị định số 167/2017/ NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Tăng cường phân cấp, phân quyền
Tuy nhiên, theo UBND TP. Hà Nội, trong quá trình thực hiện đề án vẫn còn một số khó khăn như: Một số nhiệm vụ còn phụ thuộc vào cơ chế, chính sách của Trung ương dẫn đến thành phố không chủ động được trong công tác triển khai hoặc giải pháp đưa ra chưa có tính hiệu quả, giải quyết dứt điểm. Không những vậy, Thủ đô Hà Nội còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như địa bàn thành phố rộng, số lượng đối tượng quản lý tài sản công lớn; khối lượng và giá trị tài sản công lớn, đa dạng và phức tạp dẫn đến việc chỉ đạo, triển khai cũng có những khó khăn nhất định…
Để nâng cao hiệu quả triển khai đề án, TP. Hà Nội xác định tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung của đề án; chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của thành phố triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 26/5/2023, đảm bảo tiến độ, chất lượng, trọng tâm trước mắt là công tác tổng kiểm kê tài sản công toàn thành phố từ 0h ngày 1/1/2025…
UBND thành phố giao Sở Tài chính Hà Nội tiếp tục theo dõi, đôn đốc và tổ chức đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện đề án tại các đơn vị thực hiện; nghiên cứu, kịp thời có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, các cơ quan trung ương hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công…
Góp ý để Hà Nội thực hiện tốt hơn nữa đề án trong giai đoạn mới, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, với vai trò đầu tàu, TP. Hà Nội cần có sự chủ động tích cực tham gia với Trung ương trong việc xây dựng các cơ chế chính sách quản lý đối với tài sản công và phương thức quản lý sử dụng tài sản công phù hợp với tình hình mới.
Thành phố cần liên tục cập nhật các nhiệm vụ giải pháp vào trong đề án để phù hợp với các quan điểm chủ trương mới của Đảng, Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương ban hành. Song song đó, trong công tác quản lý sử dụng tài sản công đẩy mạnh theo hướng tăng cường phân cấp phân quyền phù hợp với trình độ quản lý, trình độ phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác kiểm tra giám sát và bảo đảm nguồn lực cho việc thực thi chính sách pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công.
Thống kê, hệ thống hóa đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu về tài sản công Vừa qua, TP. Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài chính Hà Nội phối hợp Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) trong quá trình khảo sát, xác định các chỉ tiêu kiểm kê, xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và thực hiện kiểm kê thử nghiệm tại Hà Nội đối với 4 cơ quan (Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND quận Hai Bà Trưng, UBND huyện Gia Lâm). Trên cơ sở đó đã có Công văn số 2345/UBND-KTTH ngày 18/07/2024 báo cáo Bộ Tài chính kết quả kiểm kê thử nghiệm và góp ý vào Văn bản hướng dẫn kiểm kê của Bộ Tài chính. Từ hướng dẫn của Bộ Tài chính, TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo Sở Tài chính hướng dẫn kiểm kê tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố, làm cơ sở các cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai kiểm kê từ 0h ngày 1/1/2025. Thành phố cũng đã có công văn về công tác phối hợp cung cấp thông tin để cập nhật, kiểm tra, đối chiếu, phê duyệt dữ liệu tài sản công, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công và báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công của thành phố. Đối với các cơ sở dữ liệu quản lý tập trung, thống nhất cho từng nhóm tài sản công chuyên ngành của thành phố (đất đai, quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng), các sở chuyên ngành đang tiếp tục triển khai thực hiện theo tiến độ hoàn thành đến năm 2025. Riêng Cơ sở dữ liệu tài sản công khối hành chính sự nghiệp do Sở Tài chính chủ trì đã hoàn thành xây dựng Kho cơ sở dữ liệu tài sản công, đã kết nối được dữ liệu từ phần mềm quản lý tài sản của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Hiện đang từng bước đồng bộ dữ liệu từ các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản. |