Giảm thuế để kích cầu tiêu dùng, tạo đà tăng trưởng
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Tín hiệu tích cực từ phía doanh nghiệp

Bộ Tài chính vừa trình dự thảo nghị định về giảm Thuế Giá trị gia tăng (GTGT), với đề xuất mở rộng đối tượng được giảm thuế suất 2% so với Nghị quyết 43/2022/QH15 và kéo dài thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến ngày 31/12/2026 - trở thành đợt giảm thuế GTGT quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nhằm kích thích tiêu dùng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này là bổ sung nhiều ngành hàng vào diện giảm thuế GTGT như: sản phẩm công nghệ, nhiên liệu và một số nguyên liệu sản xuất quan trọng. Chính sách này được người dân, doanh nghiệp đồng thuận và đánh giá cao.

Cần phối hợp đồng bộ các chính sách

"Các cơ quan của Chính phủ cần phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa (như giảm thuế) với chính sách tiền tệ (giảm lãi suất) và đẩy mạnh đầu tư công. Quan trọng hơn, dòng tiền từ chính sách tiền tệ phải được định hướng vào sản xuất và tiêu dùng thì mới thúc đẩy kinh tế phục hồi mạnh mẽ." TS. Huỳnh Thanh Điền

Chị Bùi Hương, một người dân tại TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: "xăng, dầu - vốn có tác động lan tỏa đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, việc giảm thuế GTGT đối với mặt hàng này sẽ giúp bình ổn giá cả, giảm chi phí vận chuyển, sản xuất, đồng thời giữ ổn định mức sống cho người dân. Đây là tin tích cực cho người tiêu dùng như chúng tôi”.

Với doanh nghiệp, chính sách này không chỉ giảm áp lực chi phí mà còn tạo cơ hội mở rộng sản xuất. Là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phát triển và gia công phần mềm tại Việt Nam, ông Hồ Văn Tâm - Tổng Giám đốc công ty InApps Technology chia sẻ: "Trong bài viết về "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng, trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng chuyển đổi số toàn cầu, công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng khẳng định vai trò trụ cột, đưa Việt Nam hướng tới vị thế quốc gia phát triển. Việc Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% cho các sản phẩm và dịch vụ CNTT đến hết năm 2026 thể hiện sự đồng hành và hỗ trợ thiết thực của Nhà nước dành cho doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin".

Theo ông Tâm, chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp CNTT tối ưu đáng kể chi phí vận hành, từ đó có điều kiện giảm giá dịch vụ, tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, hiện thực hóa mục tiêu "đưa doanh nghiệp tư nhân ra biển lớn" mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập.

"Nguồn lực tiết kiệm được từ việc giảm thuế sẽ được InApps ưu tiên tái đầu tư vào đội ngũ nhân sự, đặc biệt là thu hút thêm nhiều lập trình viên chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô và năng lực phát triển các sản phẩm công nghệ cao đang "hot" như AI và blockchain. Đồng thời, một phần chi phí tiết kiệm cũng sẽ dành để nâng cấp hạ tầng công nghệ, đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường quốc tế khó tính như Mỹ, châu Âu hay Úc. Đây chính là cơ hội quý giá để chúng tôi tiếp tục nâng tầm chất lượng dịch vụ, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu" - ông Tâm khẳng định.

Với ngành cơ khí, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh nhận định chính sách giảm thuế GTGT 2% đến hết năm 2026 là một hỗ trợ thiết thực cho ngành cơ khí. Ông cho biết: “Chính sách này giúp doanh nghiệp lập kế hoạch sản xuất và kinh doanh ổn định, không phải lo lắng về sự thay đổi liên tục. Ngoài ra, còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí mua nguyên vật liệu như thép, nhôm - những thứ chiếm phần lớn giá thành sản phẩm và tiết kiệm chi phí vận chuyển nhờ xăng dầu cũng được giảm thuế”.

Ông Tống kỳ vọng chính sách này sẽ là bước khởi đầu để ngành cơ khí nội địa phát triển mạnh mẽ, giảm dần sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.

“Cú hích” để tăng cầu

Việc đề xuất mở rộng đối tượng giảm thuế GTGT đến hết năm 2026 của Bộ Tài chính được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một bước đi đúng hướng, phản ánh sự linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế. Thời hạn đến 2026 mang lại sự ổn định, giúp doanh nghiệp tự tin lập kế hoạch dài hạn. Đây là bước đi phù hợp với định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển đất nước.

PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định đề xuất giảm thuế GTGT của Bộ Tài chính rất phù hợp với bối cảnh kinh tế giai đoạn 2025 - 2026, khi nhiều ngành vẫn đang phục hồi sau những biến động toàn cầu. Việc mở rộng đối tượng giảm thuế sang xăng dầu, công nghệ thông tin và đồ gia dụng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, giảm bớt áp lực chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, đồng thời kích thích nhu cầu tiêu dùng đối với các ngành hàng này.

Tương tự, theo TS. Huỳnh Thanh Điền - giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh), việc giảm thuế GTGT vào thời điểm này là cần thiết vì tác động trực tiếp đến "túi tiền" người dân, từ đó kích thích tiêu dùng. Trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào chu kỳ mới, việc mở rộng đối tượng giảm thuế sẽ khuyến khích doanh nghiệp tư nhân và các startup đổi mới sáng tạo tự tin khởi nghiệp hoặc mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, để khởi sự và phát triển, họ cần thêm chính sách lãi suất vay thấp nhằm kích thích nguồn cung. Đồng thời, khi sản phẩm được làm ra, cần có người mua và giảm thuế GTGT chính là “cú hích” để tăng cầu.

Giảm thuế để kích cầu tiêu dùng, tạo đà tăng trưởng

ÔNG LÊ HOÀNG HOÁN - TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP DOÀN ĐẤT VIỆT: “Liều thuốc” kịp thời cho công nghệ Việt

Chính sách giảm thuế GTGT 2% kéo dài đến 2026 và mở rộng đối tượng áp dụng là “liều thuốc” đúng lúc cho cả doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức. Đặc biệt, với các doanh nghiệp công nghệ thông tin - lĩnh vực mũi nhọn của sự phát triển - chính sách này như luồng gió mới, khơi dậy tiềm năng đổi mới sáng tạo.

Chi phí phát triển công nghệ rất cao, đặc biệt là chi phí nhân lực - yếu tố chiếm tới 60 - 70% tổng đầu tư của doanh nghiệp. Việc giảm thuế, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực để tuyển dụng nhân tài, đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), từ đó tạo ra những sản phẩm "made in Vietnam" đủ sức cạnh tranh quốc tế.

Giảm thuế để kích cầu tiêu dùng, tạo đà tăng trưởng

ÔNG LÊ ANH TIẾN - CEO CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ CHATBOT VIỆT NAM: Tăng sức cạnh tranh trên thị trường

Việc giảm thuế GTGT 2% giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và vận hành. Nhờ giảm chi phí thuế, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực tài chính để tái đầu tư vào mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng danh mục sản phẩm, nâng cấp công nghệ sản xuất, tự động hóa dây chuyền sản xuất nhằm cải thiện hiệu suất. Tăng cường marketing và mở rộng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, từ đó đẩy mạnh cạnh tranh và tăng trưởng bền vững.

Giảm thuế để kích cầu tiêu dùng, tạo đà tăng trưởng
PGS.TS NGUYỄN THƯỜNG LẠNG - GIẢNG VIÊN CAO CẤP TẠI VIỆN THƯƠNG MẠI VÀ KINH TẾ QUỐC TẾ, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN: Khơi dậy sức mua - động lực then chốt cho tăng trưởng

Đề xuất giảm thuế GTGT 2% đến hết năm 2026 của Bộ Tài chính là minh chứng rõ ràng cho sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn kinh tế Việt Nam đang phục hồi và sẵn sàng vươn mình. Đây không chỉ là một biện pháp nới lỏng tài khóa thông thường, mà là đòn bẩy chiến lược kích thích cả sản xuất và tiêu dùng, đặt nền móng cho sự tích lũy tài chính của doanh nghiệp - đặc biệt là những đơn vị còn yếu, đang chật vật với nợ nần.

Điểm nhấn của chính sách lần này nằm ở thời gian áp dụng kéo dài, tạo điều kiện cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất và sâu sắc. Việc mở rộng đối tượng giảm thuế sang xăng dầu, công nghệ thông tin không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn hạ giá sản phẩm, tác động trực tiếp đến túi tiền người tiêu dùng. Đây là cách để khơi dậy sức mua - động lực then chốt cho tăng trưởng. Hơn nữa, biện pháp này sẽ thúc đẩy đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, đồng thời nâng cao khả năng chống chịu và thích nghi trước những biến động bất lợi từ kinh tế toàn cầu. Doanh nghiệp không chỉ được giảm rủi ro mà còn có thêm nguồn lực để mở rộng sản xuất, đổi mới sản phẩm, sẵn sàng chinh phục thị trường xuất khẩu trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn.

Để tối ưu hóa tiềm năng, cần triển khai chính sách này sớm và công bằng giữa các ngành, các doanh nghiệp. Nếu kết hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt và đầu tư công hiệu quả, giảm thuế GTGT có thể trở thành bệ phóng để Việt Nam không chỉ phục hồi mà còn bứt phá, khẳng định vị thế trong khu vực. Đậu Nguyễn (ghi)