Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi người dân huyện Sóc Sơn (tháng 6-2001). Ảnh: Nguyệt Ánh

Là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, ở tuổi thượng thọ 80, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi, để lại cho đời một di sản đồ sộ về lý luận và thực tiễn về công tác xây dựng Đảng và con đường xây dựng, phát triển đất nước. Nhưng còn có một di sản khác mà Đồng chí - bằng chính đạo đức, nhân cách và lối sống thanh cao, giản dị, nhân văn tạo nên trong lòng dân. Di sản ấy không thể đong dếm bằng tiền bạc, vật chất.

Đó là niềm tin và ước vọng về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, của tình người và khát khao cống hiến…

Cả cuộc đời tận tâm, tận lực với nước, với dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về miền mây trắng, về với thế giới người hiền trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, người thân, đồng chí, bạn bè và triệu triệu trái tim người dân cả nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với người dân tỉnh Nghệ An. Ảnh: Đức Anh/Báo Nghệ An

Có trông thấy hình ảnh những hàng người nối dài như vô tận trong đêm ở Hà Nội; những dòng người dầm mưa xếp hàng trước Hội trường Thống Nhất chờ đến lượt vào viếng vị lãnh đạo đáng kính của mình; có nhìn hàng vạn người đội nắng cầm hoa, ôm chân dung Tổng Bí thư đứng dọc những con đường mà đoàn linh xa đi qua để tiễn biệt Đồng chí… mới cảm nhận rõ, có một thứ cảm xúc rất đặc biệt, vượt lên trên tất cả niềm đau, nỗi nhớ về sự ra đi của một con người.

Người dân cầm di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào làm lễ viếng tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội), quê hương Tổng Bí thư. Ảnh: Quang Thái
Những tấm lòng thành kính... Ảnh: Viết Thành

Nhìn về làng Lại Đà, quê hương Đồng chí, vẫn là những con đường rợp bóng cây với cổng làng quen thuộc ấy; vẫn là những người hàng xóm chân quê ấy, nhưng nay, cũng có cái gì đó rất khác. Họ buồn, vì từ nay đã mất đi một người hàng xóm thân thiện, đáng kính, dù khi là cán bộ lãnh đạo cấp cao, rồi sau này giữ cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, về đến làng vẫn giữ lễ xuống xe, đi bộ vào nhà trong bộ quần áo đơn sơ giản dị. Tự lòng mình, họ hiểu được trong bước chân của người dân mọi miền Tổ quốc hướng về Lại Đà trong những ngày này, không có gì khác ngoài tấm chân tình, niềm tiếc thương với bác Trọng.

Không ai bảo ai, họ cố gắng làm vơi đi chút mệt nhọc cho người đến từ phương xa bằng những việc làm hết sức đời thường: Mở cửa mời khách vào nhà ngồi nghỉ trong khi chờ đợi, mang máy làm mát ra đường, chuyền tay nhau những chiếc quạt giấy giúp mọi người vơi đi nóng nực; tặng cho nhau những suất ăn nhẹ, chai nước lọc đỡ người ở xa dậy sớm, vội đi…

Dòng người đổ về viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội), quê hương Tổng Bí thư. Ảnh: Quang Thái

Không kể hàng nghìn đoàn viên, thanh niên, hội viên tình nguyện, anh xe ôm công nghệ cũng tỏ lòng khi lặng lẽ tắt ứng dụng đặt xe trên điện thoại, sẵn sàng “đưa đón miễn phí” người ở xa đi viếng Tổng Bí thư. Một việc làm nho nhỏ, giản đơn mà sao thật nặng lòng!

Đã không còn khoảng cách giữa những người yêu mến Đồng chí. Sự kính trọng, lòng tiếc thương mà người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế dành cho Đồng chí đã trở thành sợi dây gắn kết để mọi người thương yêu nhau hơn, đoàn kết hơn, đồng lòng hướng đến những điều lớn lao, ý nghĩa hơn.

Tiễn đưa một người, là lúc chúng ta bồi hồi nhớ lại những gì người ấy để lại cho đời. Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là di sản chính trị đồ sộ về hệ thống lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của một nhà lãnh đạo có gần 20 năm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và đất nước. Ngần ấy thời gian, ngần ấy trọng trách với những đóng góp lớn lao, toàn diện đã đủ cho những gì Đồng chí làm được thực sự trở thành di sản cho người sau.

Nhưng còn một thứ di sản nữa mà Đồng chí đã để cho người ở lại, đó là niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng, vào những giá trị tốt đẹp của chế độ, niềm tin vào những giá trị nhân văn của cuộc sống, vào danh dự của con người.

Đặt trong bối cảnh nạn tham nhũng còn hiện hữu; còn có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống, vì tham bả phù hoa mà bị tiền tài, địa vị quật ngã.., bằng tinh thần kiên quyết, đấu tranh đến cùng với nạn tham nhũng, Tổng Bí thư đã làm được một việc hết sức ý nghĩa là củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đúng với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Sức mạnh của Đảng ta là nằm ở sự ủng hộ của nhân dân”. Mà ai cũng biết, có được sự ủng hộ của nhân dân là có tất cả.

Hình ảnh giản dị, gần gũi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội.

Cũng chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bằng lối sống giản dị, chân tình, gần gũi, biết giữ mình, đã mang lại niềm tin cho nhân dân về tinh thần trọng danh dự con người - “điều thiêng liêng nhất” theo cách nói của Đồng chí. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ cống hiến bằng những việc đã làm, mà ngay cả khi “ra đi”, Đồng chí cũng khơi dậy nên những điều tốt đẹp cho đời với những cảm xúc chân thực nhất về hình ảnh một nhà lãnh đạo kiên trung, sắc sảo và bản lĩnh, vẹn lời thề với nước, với dân.

Là người thắp lửa, đồng thời cũng là người truyền lửa, Đồng chí đã sống một cuộc đời đáng sống, làm những việc đáng làm. Nhân cách ấy đã góp phần đánh thức trách nhiệm công dân, khát vọng cống hiến trong mỗi người Việt Nam vì tương lai đất nước thịnh vượng, hùng cường.

Dân thương là dân tin và lạc quan về con đường phía trước. Hãy bớt đi những toan tính thiệt hơn của cá nhân để cùng thắp lên ngọn lửa của những điều tốt đẹp, chân chính trong cuộc sống. Hãy biết hướng tới những giá trị lớn lao hơn thay vì bằng mọi giá thỏa mãn những ham muốn vật chất, địa vị tầm thường. Có vậy, chúng ta mới cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách hiện tại để thực hiện tâm nguyện xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh; xây dựng một bộ máy công quyền gồm những cán bộ tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, vì nhân dân - điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành hết tâm trí phấn đấu thực hiện đến hơi thở cuối cùng./.