Chứng khoán hôm nay (30/9): VN-Index điều chỉnh giảm nhẹ, thanh khoản giảm khá sâu |
Thị trường chứng khoán: Dù “lỡ hẹn” với VN-Index 1.300 điểm, nhưng vẫn là một tuần khá tích cực |
Thêm một lần nữa “lỡ hẹn” với mốc 1.300 điểm
Thị trường chứng khoán hôm nay có phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10 và cũng là đầu quý IV với nhiều hứng khởi. Dòng tiền tích cực từ khá sớm, hướng đến các nhóm ngành lớn giúp chỉ số VN-Index trở lại ngưỡng cản mạnh tại 1.300 điểm. Tuy nhiên, đến cuối phiên chiều, lực mua yếu dần khiến VN-Index một lần nữa “lỡ hẹn” với mốc điểm tâm lý quan trọng này.
Các cổ phiếu lớn đã hỗ trợ cho VN-Index phiên này có: VIB (+2,59), FPT (+1,04), TCB (+1,86), VIX (+2,92), STB (+0,45)… Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu lớn đã gây áp lực cho thị trường gồm: MWG (-0,44), VPB (-1), MBB (-0,19), CTG (-1,22), TPB (-0,58)… |
Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, chỉ số VN-Index tăng +4,26 điểm, dừng lại ở mức 1.292,2 điểm. Thống kê trên HOSE cho thấy, hôm nay thị trường có 270 mã tăng, 76 mã tham chiếu, 125 mã giảm. Về nhóm ngành, độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực khi phần lớn nhóm ngành lên điểm; trong đó, bán lẻ thực phẩm và nhu yếu phẩm, viễn thông, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, phần mềm là những ngành tăng trên 1%. Đi ngược thị trường là ngành hàng tiêu dùng và trang trí, phân phối và bán lẻ hàng lâu bền, dịch vụ chuyên biệt và thương mại, năng lượng, tiện ích, bán dẫn.
|
Nhóm VN30 cũng diễn biến tương tự thị trường chung. Chỉ số VN30 tăng mạnh đầu phiên, nhưng áp lực bán tăng dần khiến đà tăng thu hẹp về cuối phiên. Chỉ số VN30 đóng cửa tại 1.358,88 điểm, tăng +6,2 điểm. Rổ VN30 sắc xanh thắng thế với 16 mã tăng, 6 mã đứng giá, trong khi chỉ có 8 mã giảm giá.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính hôm nay đóng cửa trái chiều. Trong khi chỉ số HNX-Index cũng có phiên khởi đầu tháng thuận lợi tăng +1,14 điểm, đóng cửa tại 236,05 điểm, thì chỉ số UPCoM-Index giảm -0,28 điểm, còn 93,28 điểm.
Thanh khoản hôm nay có sự cải thiện rõ rệt, đạt gần 25,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, sàn HOSE đạt gần 21,9 nghìn tỷ đồng, tăng +34,4% về giá trị so với phiên hôm qua. Giá trị giao dịch nhóm VN30 đạt hơn 11 nghìn tỷ đồng, cho thấy dòng tiền có phiên chảy mạnh vào thị trường, đặc biệt vào các cổ phiếu lớn.
Hôm nay, khối ngoại cũng đóng góp tích cực với việc mua ròng khoảng +689,5 tỷ đồng trên HOSE, trong khi bán ròng gần -133 tỷ đồng trên HNX và hơn -85 tỷ đồng trên UPCoM. Lực mua tập trung vào các mã TCB (360 tỷ đồng), FPT (329 tỷ đồng), VHM (174 tỷ đồng), MWG (164 tỷ đồng)… Chiều bán ròng tập trung vào HDB (-95 tỷ đồng), VPB (-88 tỷ đồng), BVS (-88 tỷ đồng), SGB (-83 tỷ đồng), PVS (-44 tỷ đồng)…
Các trụ lớn cống hiến "chưa hết mình"
Áp lực chốt lời và sự suy yếu ở nhóm cổ phiếu trụ một lần nữa ngăn VN-Index đột phá ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm hôm nay. Từ mức tăng cao nhất phiên gần 14,3 điểm, kết phiên chỉ số VN-Index chỉ còn tăng 4,26 điểm. Tuy vậy, điểm số mất đi chủ yếu là do các trụ suy yếu, còn mặt bằng giá cổ phiếu nói chung vẫn thể hiện sự áp đảo hoàn toàn ở phía tăng giá với rất nhiều mã tăng mạnh. Diễn biến điều chỉnh chỉ là thu hẹp biên độ ở chiều tăng.
VN-Index đạt đỉnh cao nhất phiên ngay vài phút đầu phiên chiều, lên tới 1.302,22 điểm, tức là lần thứ hai trong vòng 3 phiên có diễn biến vượt ngưỡng tâm lý 1.300 điểm. Tuy nhiên từ đỉnh cao này, trọn thời gian còn lại chỉ số thu hẹp đà tăng lùi lại mức 1.292,2 điểm. Thị trường lại có thêm một lần “hụt” mốc 1.300 điểm do khả năng duy trì sức mạnh ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt là không tốt.
Mặc dù thị trường trong phiên chiều phải đối mặt với áp lực bán gia tăng và sự phân hóa trong các nhóm cổ phiếu, nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực từ một số mã ngân hàng. Sự biến động của các cổ phiếu bluechip cũng phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép đã có dấu hiệu hạ nhiệt so với những phiên giao dịch sôi động trước đó. Cụ thể, HPG chỉ ghi nhận mức tăng 1,5%, trong khi TLH nhích nhẹ 2,9%. Dù vậy, một số cổ phiếu trong ngành như HSG và NKG đã lùi về mức tham chiếu, cho thấy áp lực chốt lời từ phía nhà đầu tư. Sự biến động này phản ánh một bức tranh đa dạng hơn về xu hướng giá trong nhóm ngành thép, nơi mà tâm lý thị trường đang có phần thận trọng hơn.
Áp lực chốt lời tiếp tục diễn ra khi VN-Index vượt mốc 1.300 điểm. Ảnh: Duy Dũng. |
Đối với nhóm ngành chứng khoán cũng không nằm ngoài xu hướng phân hóa rõ rệt trong phiên giao dịch này. Mặc dù cổ phiếu ORS giữ vững mức giá trần, thì các mã khác như BSI và APG vẫn ghi nhận mức tăng tích cực. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu khác chỉ có mức tăng nhẹ, cho thấy sự phân hóa trong sức mạnh của từng mã. Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang lựa chọn kỹ lưỡng hơn trong việc phân bổ tài sản của mình giữa các mã cổ phiếu, tránh rủi ro bằng cách tập trung vào những mã có nền tảng vững chắc hơn.
Các chuyên gia dự đoán thị trường sẽ sớm trở lại mốc 1.300 điểm khi các điều kiện vĩ mô đang tích cực, dòng tiền cải thiện liên tục và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất. Tuy nhiên đó là xu hướng dài hạn. Trong thời gian tích lũy, thị trường sẽ có các nhịp điều chỉnh ngắn hạn nên kịch bản chạm mốc 1.300 điểm rồi lập tức rung lắc nhất định không còn quá bất ngờ trong thực tế của thị trường./.