![]() |
Chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển. Ảnh: tư liệu |
PV: Quốc hội đã quyết định nâng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 lên 8%, tạo đà cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo. Ông có bình luận gì về mục tiêu tăng trưởng này trong bối cảnh hiện nay?
![]() |
TS. Nguyễn Quốc Việt: Đây là một mục tiêu tham vọng và thách thức nhưng có cơ sở để đạt được. Chúng ta đã nhận diện rõ những điểm nghẽn, thách thức, thể hiện rõ quyết tâm và quyết tâm ấy thể hiện ở công tác quyết liệt trong việc cải cách tinh gọn cả thể chế lẫn bộ máy nhà nước trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, có những điểm tựa để có thể đạt được mục tiêu này. Đó là sự phát triển và tiến bộ lớn mạnh khá vượt bậc của đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta có những doanh nghiệp lớn có thể đảm trách và đảm nhận những công việc và nhiệm vụ mới trong tình hình mới để phục vụ cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, Việt Nam cũng ở một vị trí tương đối thuận lợi về quan hệ quốc tế và địa chính trị, để có thể là biến những thách thức về tình hình thay đổi địa chính trị cũng như chính sách thương mại đầu tư toàn cầu theo hướng có thể tận dụng được thành cơ hội cho Việt Nam để phát triển.
Tiếp tục gia hạn tiền nộp thuế hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng 8%"Việc tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước sẽ giúp cho doanh nghiệp giữ lại khoản tiền đó để đầu tư, tái đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Qua đó, đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng 8%" - TS. Nguyễn Quốc Việt |
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức lớn trong năm 2025 khi tình hình kinh tế thế giới không được thuận lợi như năm 2024 do chiến tranh thương mại, xung đột địa chính trị và những rào cản thương mại khác ngày càng nhiều cùng với những hạn chế trong nước hiện có sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát huy các nguồn lực và các động lực cho tăng trưởng kinh tế nói chung và cho việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng của năm 2025.
PV: Riêng về chính sách tài khóa, ông có khuyến nghị gì trong năm 2025 để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%?
TS. Nguyễn Quốc Việt: Về chính sách tài khóa, tôi cho rằng, quan trọng vẫn phải chú trọng việc đảm bảo giải ngân trúng, đúng và có đủ hiệu lực, hiệu quả đối với các dự án đầu tư công trọng điểm. Đầu tư công luôn là động lực hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng một cách bền vững, bởi việc giải ngân một cách hiệu quả vốn đầu tư công sẽ là “vốn mồi” để kích hoạt được các nguồn vốn khác, tác động lan tỏa sang các ngành, các lĩnh vực liên quan, hỗ trợ quá trình tăng trưởng trực tiếp của nền kinh tế.
Việc hoàn thiện và nhanh chóng thúc đẩy được các dự án đầu tư công đi vào hoạt động và bàn giao sẽ tạo ra nền tảng hạ tầng kết nối, cả hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm cho nền kinh tế số. Đầu tư công dành cho nền tảng kinh tế số sẽ là động lực trực tiếp tạo ra dư địa cho tăng trưởng khác so với những năm trước bởi vì mỗi một sự kết nối vùng với con đường mới, cây cầu mới, sân bay, bến cảng tốt đều sẽ tạo ra thêm dư địa cho tăng trưởng, tạo ra công ăn việc làm, sinh kế mới, thu nhập mới cho người lao động. Tất cả những điều đó đóng góp cho việc làm mới các động lực tăng trưởng kể cả truyền thống và động lực tăng trưởng mới trong tương lai.
Bên cạnh đó, các chính sách tài khóa cũng nên trọng tâm, trọng điểm, các chính sách hỗ trợ nên có tính chất lan tỏa, tức là một chính sách nhưng phải đảm bảo yếu tố lan tỏa và kết nối, ví dụ như là kết nối cung - cầu. Còn nếu cứ “rải mành mành” các chính sách hỗ trợ theo từng lĩnh vực, từng địa phương, thậm chí từng đối tượng doanh nghiệp một cách quá cụ thể hoặc giàn trải thì sẽ không tạo ra sức mạnh tổng thể và sẽ không tạo ra sự đột phá của các đối tượng được trợ giúp một cách trực tiếp. Tất cả những điều này cho thấy, trọng tâm, trọng điểm và có tính lan tỏa thì các chính sách hỗ trợ sẽ đi vào cuộc sống tốt hơn, tạo ra nền tảng cho tăng trưởng bền vững hơn.
PV: Trong yêu cầu về mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, Quốc hội cho phép, trường hợp cần thiết, điều chỉnh bội chi ngân sách lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP. Ông nghĩ sao về điều này?
TS. Nguyễn Quốc Việt: Thực ra, không phải là bây giờ chúng ta mới đặt vấn đề nới trần nợ công hoặc vượt ngưỡng nợ nước ngoài. Chính phủ đã từng thực hiện, nhất là sau Covid-19, để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, trần nợ công đã được nới để có nguồn lực thực hiện các gói kích cầu và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Kết quả, khi thực hiện giải pháp đó, trong những năm vừa qua, nguồn thu ngân sách vẫn tăng một cách khá ổn định, đáp ứng được nhu cầu chi trực tiếp cũng như trong tương lai.
Tuy nhiên, cũng lưu ý, việc nới trần nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài cần tránh bóp nghẹt khả năng tiếp cận tín dụng với các nguồn vay phù hợp của khu vực tư nhân. Do nguồn lực cho khu vực tư nhân phát triển hiện dựa chủ yếu vào tín dụng là chính, các nguồn lực đầu tư khác vẫn còn hạn chế. Vì vậy, khi nới trần nợ công, cần phải hết sức lưu ý tới vấn đề này, vì khu vực tư nhân và doanh nghiệp là động lực rất quan trọng cho tăng trưởng. Sự phát triển của doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân tạo ra việc làm, lợi nhuận, thu nhập, kích cầu tiêu dùng nội địa. Đó mới là cơ sở quan trọng cho việc vừa tăng trưởng, vừa đảm bảo các nguồn thu ngân sách nhà nước bền vững.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiênTheo PGS. TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, muốn đạt được tăng trưởng cao thì ưu tiên hàng đầu là đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bởi vĩ mô ổn định thì mới đạt được tăng trưởng cao. Do đó, cần phải giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp vừa phải, tỷ giá ổn định, hệ thống tài chính lành mạnh, nợ công bền vững. Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong trong ngắn hạn thì đầu tư công là động lực chính để hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ tăng trưởng cao trong dài hạn. Bên cạnh đó, cần có chính sách cụ thể kéo các doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia vào các chương trình đầu tư công; từ đó, mới tối đa được tác động của đầu tư công. Đồng thời, đa dạng và mở rộng thị trường xuất khẩu; tập trung vào các ngành hàng Việt Nam có ưu thế, có giá trị gia tăng cao... Trong dài hạn, PGS. TS Phạm Thế Anh cho rằng, cần tập trung vào các nhóm chính sách cải thiện tổng cung tiềm năng. Trong đó, chú ý cải thiện môi trường thể chế, sắp xếp lại bộ máy, giảm đầu mối, hiệu quả hơn trong việc tháo gỡ các nút thắt... Ngoài ra, cần có chính sách thu hút nguồn lực chất lượng cao làm việc tại Việt Nam, bao gồm cả khu vực nhà nước; phân bổ ngân sách phù hợp cho nghiên cứu và phát triển (R&D); thu hút được các tập đoàn lớn xây dựng và chuyển giao các trung tâm R&D ở Việt Nam. |