Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh |
Địa phương dự toán kinh phí triển khai cho năm 2025
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong triển khai Đề án 06. Có rất nhiều địa phương, đơn vị triển khai hiệu quả Đề án, tuy nhiên, đến nay vẫn còn 38 nhiệm vụ chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng đề ra, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của Đề án 06.
Đảm bảo nguồn triển khai Đề án Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương có lộ trình, phương án phân bổ kinh phí cho các địa phương để giải ngân nguồn vốn ngân sách trong năm 2024 và phương án triển khai trong năm 2025 theo quy định tại Nghị định số 138/2024/NĐ-CP. Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất dự toán kinh phí triển khai Đề án 06 năm 2025 gửi về Bộ Tài chính tập hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền để đảm bảo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06. |
Để tiếp tục triển khai Đề án này thực chất, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịchUBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 3/12/2020 hướng dẫn về đăng ký thuế đối với cá nhân khi triển khai sử dụng mã định danh cá nhân là mã số thuế theo quy định tại khoản 7, Điều 35 Luật Quản lý thuế. Trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ, hoàn thành trong tháng 12/2024.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương có lộ trình, phương án phân bổ kinh phí cho các địa phương để giải ngân nguồn vốn ngân sách trong năm 2024 và phương án triển khai trong năm 2025 theo quy định tại Nghị định số 138/2024/NĐ-CP. Đồng thời, Bộ Tài chính có trách nhiệm đôn đốc các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất dự toán kinh phí triển khai Đề án 06 năm 2025 gửi về Bộ Tài chính tập hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền để đảm bảo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06.
Hiệu quả của ngành Tài chính
Đối với ngành Tài chính, thời gian qua đã khẩn trương vào cuộc và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06. Việc triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06 của ngành Tài chính đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Ông Đoàn Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, ngay sau khi Đề án 06 được phê duyệt, Bộ Tài chính đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao thông qua cụ thể hóa nhiệm vụ, thời gian hoàn thành đến từng đơn vị.
Đến nay, việc triển khai Đề án 06 tại Bộ Tài chính đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể, Bộ Tài chính đã bỏ các yêu cầu cung cấp thông tin liên quan hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú khi tham gia thực hiện các chính sách hoặc thủ tục hành chính.
Ngoài các lĩnh vực nêu trên, hiệu quả rõ nhất đó là trong lĩnh vực thuế. Bộ Tài chính đã hoàn thành xây dựng Cổng thông tin điện tử (TTĐT) dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) trực tiếp hoặc uỷ quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế. Hiện đã có 116 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng TTĐT dành cho NCCNN. Tính đến hết 11 tháng năm 2024, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ các NCCNN là 19.774 tỷ đồng, tính riêng trong năm 2024 thu 8.687 tỷ đồng khai trực tiếp qua Cổng, tăng 26% so với số thu cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, triển khai hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT). Lũy kế đến cuối tháng 11, số lượng HĐĐT cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý ước đạt 11 tỷ hóa đơn, trong đó 2,68 tỷ hóa đơn có mã, hơn 7,22 tỷ hóa đơn không mã, hơn 2,04 triệu hóa đơn theo lần phát sinh và hơn 1,2 tỷ HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền.
Cùng với đó, ngành Thuế cũng đã triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập, xác thực thông tin người nộp thuế trên hệ thống eTax Mobile. Theo đó, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử (tài khoản đã được cấp tại VNeID) đăng nhập vào ứng dụng eTax Mobile, icanhan để sử dụng các dịch vụ thuế điện tử dành cho cá nhân. Kết quả đến nay đã có 7,6 triệu lượt truy cập vào hệ thống thuế điện tử bằng tài khoản định danh điện tử (VNeID).
Việc triển khai Đề án 06 đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Trong công tác quản lý NSNN và kho bạc, để triển khai mục tiêu 3 không “Không tiền mặt, không khách hàng giao dịch trực tiếp, không chứng từ giấy”, Bộ Tài chính đã triển khai có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đối với mục tiêu không tiền mặt, Bộ Tài chính đã giảm chi bằng tiền mặt, tỷ lệ thanh toán tiền mặt giảm mạnh. Số thu NSNN bằng tiền mặt chỉ còn chiếm khoảng 0,069% so với tổng thu NSNN.
Những kết quả của ngành Tài chính được đo đếm bằng những con số cụ thể, nhằm phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu đề ra. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, cũng như các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.
Kiến tạo hành chính số, tài chính số Tổng kết các nhiệm vụ sau 1 năm triển khai Đề án, tại thời điểm đó đã có 3 việc Bộ Tài chính đã hoàn thành. Thứ nhất là nghị định về chi thường xuyên cho các dự án đã có, hiện nay đã trình và đang chờ Chính phủ ban hành. Thứ hai, nghị định về giá dịch vụ công đã hoàn thành (đang trình). Thứ ba là vấn đề phân bổ vốn cho các bộ, ngành. Mới đây, tại Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý NSNN năm 2024 (Vietnam Digital Finance – 2024). đại diện Bộ Công an cũng đánh giá, những kết quả quan trọng trong công tác chuyển đổi số của Bộ Tài chính trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm thu NSNN, chứng khoán, hải quan… Đây không chỉ là thành công của Đề án 06, mà còn là thành công bước đầu của quốc gia trong việc kiến tạo hành chính số, tài chính số và tiến tới chính phủ số. Được biết, tại Đề án 06, Bộ Tài chính được giao gần 100 nhiệm vụ, trong đó riêng năm 2024 có 15 nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực thuế; 4 nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân sách... Để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Công an làm sạch dữ liệu liệu thuế, dữ liệu người tham gia thị trường chứng khoán, dữ liệu về hải quan; triển khai trên phạm vi toàn quốc giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách… Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng, ban hành các văn bản liên quan đến phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư đã được Chính phủ phê duyệt tại 19 nghị quyết chuyên đề theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện công bố, công khai các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo quy định. Bố trí kinh phí triển khai Đề án 06 cho các bộ, ngành sau khi nghị định chi thường xuyên được ban hành... |