![]() |
Khi thông tin rõ ràng hơn, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ đẩy mạnh mua vào để đón đầu cơ hội. Ảnh tư liệu |
Chuyển biến tích cực dần
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục rõ rệt với nhiều tín hiệu tích cực lan tỏa trên diện rộng. Chỉ số VN-Index liên tiếp giữ vững đà tăng trong những phiên gần đây, thanh khoản cải thiện đáng kể, sắc xanh phủ khắp nhiều nhóm ngành như ngân hàng, thép, chứng khoán, bất động sản và bán lẻ - những lĩnh vực đại diện cho sức bật nội tại của nền kinh tế.
Đáng chú ý, sự trở lại rõ nét của nhà đầu tư nước ngoài đã tạo thêm cú hích quan trọng cho tâm lý thị trường. Sau hai năm liên tục rút vốn, tính từ đầu tháng 7 đến nay, khối ngoại đã quay lại mua ròng với tổng giá trị hơn 9.200 tỷ đồng, dòng vốn ngoại vẫn duy trì xu hướng mua ròng mạnh, đặc biệt tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản cao.
Nhận định về việc mua ròng mạnh của khối ngoại thời gian qua, ông Bùi Văn Huy - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Khối Nghiên cứu đầu tư, Công ty cổ phần FIDT cho rằng, dòng vốn ngoại vào Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực dần. Sau nhiều tháng bán ròng liên tục, khối ngoại đã giảm tốc độ bán và bắt đầu xuất hiện những phiên mua ròng trở lại – điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài có thể đang đánh giá lại định giá và tiềm năng thị trường Việt Nam.
Theo ông Huy, một số yếu tố có thể thúc đẩy dòng vốn ngoại trong thời gian tới, như định giá hấp dẫn P/E thị trường thấp hơn trung bình nhiều năm, tạo dư địa cho dòng tiền giá trị từ nước ngoài quay lại. Triển vọng nâng hạng, khả năng thị trường Việt Nam được FTSE Russell hoặc MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi trong tương lai gần đang tăng lên, đặc biệt FTSE có thể đưa ra quyết định sớm vào cuối năm 2025. Khi thông tin này rõ ràng hơn, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ đẩy mạnh mua vào để đón đầu cơ hội.
Bên cạnh đó, môi trường vĩ mô quốc tế thuận lợi hơn. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng giảm lãi suất và đồng USD bớt tăng giá, áp lực rút vốn khỏi thị trường mới nổi sẽ giảm. Thực tế, chính sách tiền tệ ở nhiều quốc gia lớn đang trở nên bớt thắt chặt, khiến vốn toàn cầu có xu hướng tìm đến các thị trường tăng trưởng tốt như Việt Nam.
Ngoài ra, câu chuyện tăng trưởng riêng của Việt Nam như kinh tế duy trì tốc độ cao, ổn định chính trị, doanh nghiệp niêm yết cải thiện minh bạch và quản trị... là các yếu tố thu hút sự chú ý của khối ngoại trong trung và dài hạn.
Dù vậy, ông Huy cho rằng, xu hướng vốn ngoại có thể còn trồi sụt. Nhà đầu tư ngoại hiện vẫn theo dõi sát sao diễn biến kinh tế thế giới (lo ngại suy thoái ở các thị trường phát triển, biến động chính sách tiền tệ, hay địa chính trị toàn cầu...). Tổng thể, dòng vốn ngoại được dự báo tích cực hơn trong thời gian tới so với năm 2023, dù khó có đột biến mạnh ngay lập tức. Sự trở lại của vốn ngoại, dù chậm, sẽ là lực hỗ trợ thêm cho thị trường bên cạnh trụ cột vốn nội hiện nay.
Đón đầu “sóng” nâng hạng
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, FTSE Russell sẽ công bố nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp vào kỳ phân loại tháng 9 năm nay. Bên cạnh đó, với cam kết mạnh mẽ trong việc đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán và xây dựng một thị trường vốn phát triển bền vững, VNDirect dự báo, các tiêu chí nâng hạng còn lại của MSCI sẽ được đáp ứng vào năm 2026 và thị trường Việt Nam sẽ chính thức được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá tháng 6/2027.
Các chuyên gia đã chỉ ra đặc điểm đáng chú ý của diễn biến dòng vốn ngoại tại một số thị trường châu Á trước thềm nâng hạng. Nhà đầu tư nước ngoài thường tham gia vào thị trường trước khi thông tin nâng hạng được công bố một khoảng thời gian khá dài, thay vì chờ đợi đến thời điểm công bố. Các chuyên gia cũng đánh giá với những cải cách toàn diện đang được triển khai, khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng trong tháng 9/2025 là hoàn toàn có cơ sở.
Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng của SSI Research lại cho rằng, ở thời điểm hiện tại có thể nói, xác suất 90% thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng trong tháng 10. "Chính xác là vào ngày 7/10, FTSE Russell sẽ có thông báo tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam" - ông Hưng kỳ vọng.
Theo ông Hưng, dòng tiền lớn từ các quỹ đầu tư sẽ đổ vào thị trường Việt Nam. Dự tính sẽ có khoảng 20 - 30 cổ phiếu có thể được FTSE đưa vào rổ chỉ số sau khi nâng hạng. Trong đó nhóm vốn hóa lớn là cổ phiếu được mua vào trong thời điểm được nâng hạng. Các công ty chứng khoán top đầu về thị phần khối ngoại cũng sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ dòng vốn ngoại quay trở lại.
Đưa thị trường vào "sân chơi" của các nền kinh tế phát triển hơn Các chuyên gia đánh giá, khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, hàng tỷ USD từ các quỹ ETF và quỹ đầu tư chủ động quy mô lớn sẽ đổ vào thị trường. Dòng vốn này không chỉ mang tính ngắn hạn mà còn có xu hướng dài hạn, tạo ra một lực thúc đẩy mạnh mẽ cho các cổ phiếu vốn hóa lớn và lan tỏa tích cực ra toàn bộ thị trường. Đồng thời, việc nâng hạng sẽ nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam, đưa thị trường vào "sân chơi" của các nền kinh tế phát triển hơn, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư tổ chức lớn và các định chế tài chính quốc tế. |