"Sao đổi ngôi" ngành ngân hàng trong bảng xếp hạng lợi nhuận năm 2024 Nhìn lại bức tranh tín dụng, thúc đẩy động lực tăng trưởng GDP năm 2025 NIM giảm về đáy gần 10 năm, nợ xấu gia tăng tạo áp lực cho ngân hàng

Tại Việt Nam hiện có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang hoạt động, đến từ 5 quốc gia, bao gồm: Woori Bank; Shinhan Bank đều đến từ Hàn Quốc; hai “ông lớn” là HSBC và Standard Chartered (Anh); ba nhà băng Hong Leong Bank, Public Bank và CIMB Bank đến từ Malaysia. Ngoài ra, UOB Việt Nam (Singapore) và ANZ (Úc) cũng đang hiện diện tại Việt Nam.

Lợi nhuận "teo tóp" dần

Dù không phải tất cả ngân hàng đều công bố báo cáo tài chính đầy đủ, nhưng nhiều dữ liệu tài chính phần nào hé lộ bức tranh kinh doanh của các nhà băng ngoại tại thị trường Việt Nam năm vừa qua.

Dữ liệu của phóng viên cho thấy, trong số 6 đơn vị được khảo sát, Shinhan Bank dù xếp thứ 6 về quy mô vốn điều lệ trong nhóm các nhà băng ngoại (5.709,9 tỷ đồng) nhưng lại là ngân hàng ngoại có lợi nhuận cao nhất trong nhóm. Với thế mạnh vượt trội ở mảng ngân hàng bán lẻ, Shinhan Bank đang giữ vững vị thế là một trong những tổ chức tài chính nước ngoài hoạt động hiệu quả nhất tại Việt Nam.

Cuộc đua hụt hơi của khối ngân hàng ngoại năm 2024
Đồ hoạ: Ánh Tuyết.

Cụ thể, năm 2024, trong khi Shinhan Bank tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu với mức tăng trưởng dương hiếm hoi 2,7%, phần lớn các ngân hàng còn lại đều ghi nhận sự sụt giảm đáng kể, thậm chí lỗ sâu kéo dài như trường hợp của CIMB. Theo đó, Shinhan Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5.772 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,1% so với năm 2023.

Lợi nhuận "bốc hơi" diện rộng

Thống kê cho thấy, 5/6 ngân hàng trong nhóm khảo sát đều suy giảm lợi nhuận trước thuế.

Woori Bank giảm 8,4% lợi nhuận, đạt gần 1.400 tỷ đồng. Các ngân hàng còn lại đến từ Malaysia đều kinh doanh kém sắc.

Trong khi Public Bank và Hong Leong Bank lần lượt sụt giảm 41,7% và 19,6%, CIMB khi ngân hàng này tiếp tục ghi nhận lỗ trước thuế lên tới 194,3 tỷ đồng, tăng lỗ 55,5% so với năm trước. Mức lỗ ngày càng phình to cho thấy ngân hàng vẫn loay hoay trong việc kiểm soát chi phí, vận hành kém hiệu quả dù hoạt động tại Việt Nam gần 10 năm qua.

Từ con số sụt giảm lợi nhuận phân tích phía trên, có thể nhìn sâu hơn vào cấu trúc thu nhập, đặc biệt là thu nhập lãi thuần và các khoản thu ngoài lãi để thấy rõ động lực tăng trưởng và chất lượng nguồn thu của từng nhà băng.

Năm 2024, các ngân hàng ngoại tại Việt Nam đều duy trì chiến lược đẩy mạnh cho vay, song tốc độ tăng trưởng và quy mô có sự phân hóa rõ rệt. Theo đó, Shinhan Bank dẫn đầu tuyệt đối về quy mô cho vay với dư nợ đạt gần 127.000 tỷ đồng, tăng 19,5% cùng kỳ. HSBC giữ vị trí thứ hai về quy mô dư nợ, gần 70.000 tỷ đồng.

Woori Bank đứng thứ ba với dư nợ hơn 39.000 tỷ đồng, tăng 19,5%, tương đương với Shinhan Bank. Các ngân hàng còn lại đến từ Malaysia có quy mô nhỏ hơn, Public Bank đạt dư nợ 29.150 tỷ đồng, tăng 11,3%; Hong Leong Bank 12.467 tỷ đồng, song tốc độ tăng trưởng khá cao 27,4%. CIMB là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất nhóm, đạt 29,1%, tuy nhiên quy mô dư nợ vẫn rất nhỏ, chỉ khoảng 4.414 tỷ đồng.

"Bấu víu" tín dụng, song lãi thuần sụt giảm

Dữ liệu của phóng viên cho thấy, năm 2024, thu nhập lãi thuần tiếp tục là trụ cột trong cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng ngoại tại Việt Nam, với nhiều nhà băng duy trì mức độ phụ thuộc rất cao, thậm chí vượt 90%, cho thấy quá trình đa dạng hóa nguồn thu vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt.

Cuộc đua hụt hơi của khối ngân hàng ngoại năm 2024
Đồ hoạ: Ánh Tuyết.

Dấu hỏi lớn về hiệu quả tăng trưởng tín dụng

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là dù phần lớn ngân hàng trong nhóm khảo sát đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, thậm chí có ngân hàng tăng dư nợ gần 30% so với cùng kỳ, nhưng hiệu quả lại không tương xứng. Có tới 4/6 ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần giảm sâu ở mức hai chữ số (HSBC, Public, Hong Leong Bank và CIMB); trong khi đó, 2 ngân hàng còn lại chỉ tăng trưởng khiêm tốn, phản ánh những thách thức trong việc chuyển hóa tăng trưởng tín dụng thành lợi nhuận thực chất.

Đơn cử, Shinhan Bank tiếp tục dẫn đầu về quy mô thu nhập lãi thuần với 8.448,8 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 2,7% so với cùng kỳ, mức tăng khiêm tốn và không tương xứng với tốc độ mở rộng tín dụng.

Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng này đạt 126.971 tỷ đồng, dẫn đầu nhóm khảo sát và tăng mạnh 19,5%. Tỷ trọng thu nhập lãi thuần trên tổng thu nhập hoạt động đạt 87,4%, cao hơn mức 86,2% của năm 2023, cho thấy Shinhan Bank vẫn chủ yếu dựa vào thu nhập từ hoạt động tín dụng.

Cuộc đua hụt hơi của khối ngân hàng ngoại năm 2024
Hầu hết các ngân hàng tăng mạnh dư nợ cho vay khách hàng, nhưng thu nhập lãi thuần sụt giảm. Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính các ngân hàng.

Đáng chú ý, top 3 nhà băng phụ thuộc lớn vào nguồn thu tín dụng đó là: Woori Bank (94,3%); Public Bank (93%); Hong Leong Bank (97,8%). Trong đó, Woori Bank duy trì mức thu nhập lãi thuần ổn định với 2.077,5 tỷ đồng trong năm 2024, tuy nhiên, đáng chú ý là tỷ trọng thu nhập lãi thuần trong tổng thu nhập hoạt động tăng vọt lên 94,3%, so với mức 78,4% của năm 2023, phản ánh sự lệ thuộc ngày càng lớn vào hoạt động tín dụng trong cơ cấu nguồn thu của ngân hàng.

Cùng với đó, Public Bank và Hong Leong Bank tiếp tục thể hiện sự phụ thuộc gần như tuyệt đối vào thu nhập lãi thuần, dù tỷ lệ này giảm nhẹ so với năm 2023, cả hai ngân hàng vẫn duy trì mô hình hoạt động thiên về tín dụng truyền thống, ít nguồn thu từ dịch vụ hoặc đầu tư. Tăng trưởng cho vay khách hàng của Public đạt 11,3% và Hong Leong là 27,4%, cho thấy quy mô cho vay vẫn được mở rộng nhưng đóng góp chủ yếu vào nguồn thu vẫn là lãi thuần, thay vì đa dạng hóa hoạt động sinh lời.

CIMB là trường hợp đặc biệt khi tỷ trọng thu nhập lãi thuần trong năm 2023 vượt 100%, đạt 120,5%, do lỗ từ các mảng phi tín dụng lên tới 60,6 tỷ đồng khiến tổng thu nhập hoạt động bị kéo giảm. Sang năm 2024, tỷ trọng này đã có sự cải thiện, giảm còn 86,7% nhờ các nguồn thu ngoài lãi đảo chiều tích cực, ghi nhận lãi 48,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù tín dụng tăng trưởng mạnh nhất nhóm với mức 29,1%, thu nhập lãi thuần của CIMB lại giảm 11,9%, chỉ còn 314,2 tỷ đồng, phản ánh hiệu quả sử dụng vốn chưa cao và chất lượng tăng trưởng tín dụng còn nhiều hạn chế./.