Mỹ áp thuế 46% đối với 90% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam

Theo thông tin từ Bộ Công thương, sáng ngày 3/4, ngay sau khi Mỹ công bố áp thuế, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.

Theo Bộ Công thương, Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế có tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp mà bổ sung cho nhau. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu cạnh tranh với sản phẩm từ các nước thứ ba, đồng thời giúp người tiêu dùng Mỹ tiếp cận hàng hóa giá rẻ hơn.

Tuy nhiên, Mỹ vừa công bố áp mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 9/4.

Bộ Công thương có công hàm chính thức đề nghị Mỹ tạm hoãn áp thuế 46%
Bộ Công thương có công hàm chính thức đề nghị Mỹ tạm hoãn áp thuế 46%. Ảnh: TL

Trao đổi với báo chí chiều 3/4 về vấn đề này, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương) nhận định, đây là mức thuế không công bằng, thiếu căn cứ khoa học và không phản ánh thiện chí của Việt Nam trong quá trình xử lý thâm hụt thương mại giữa hai nước.

Bộ Công thương cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã tích cực tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp Mỹ, ban hành Nghị định giảm thuế MFN (tối huệ quốc) đối với 13 nhóm hàng có lợi thế của Mỹ, đồng thời hỗ trợ hàng loạt dự án đầu tư từ quốc gia này tại Việt Nam. Hiện mức thuế MFN trung bình Việt Nam áp dụng cho hàng nhập khẩu chỉ là 9,4%, thấp hơn rất nhiều so với mức thuế 46% mà Mỹ dự kiến áp đặt.

Theo thông báo từ Nhà Trắng, các mức thuế mới nhằm giải quyết tình trạng bất công thương mại, thúc đẩy sản xuất nội địa và bảo vệ an ninh kinh tế. Mỹ khẳng định các biện pháp này sẽ duy trì cho đến khi các bất cập thương mại được khắc phục hoặc giảm nhẹ.

Tuy vậy, Bộ Công thương cho rằng, giữa hai bên vẫn còn nhiều không gian để đàm phán và tìm ra giải pháp đôi bên cùng có lợi. Hiện cơ quan này đang thu xếp một cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và các quan chức Mỹ, cũng như làm việc với Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) để tìm hướng giải quyết.

Theo Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, năm 2025, Bộ Công thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12%, tương đương 450 tỷ USD. Mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi và Việt Nam tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Trong trường hợp Việt Nam - Mỹ không tìm được giải pháp tích cực thì việc áp thuế này sẽ tạo tác động tiêu cực nhất định đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề đã được Bộ này dự báo trước và có sự chuẩn bị.

Theo đó, Bộ Công thương đã có những kiến nghị Kế hoạch hành động cụ thể với Chính phủ và khuyến cáo cho doanh nghiệp để có các bước đi cần thiết một khi vấn đề xảy ra.

Dự báo, thời gian tới, hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của năm nay.