Rà soát kỹ, hướng dẫn sát

Thông tin tại buổi họp báo giao ban quý II/2025 của Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Thoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác xử lý tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính và bộ máy tổ chức.

90 ngày “chốt số” tài sản công sau sắp xếp tổ chức bộ máy

Bà Nguyễn Thị Thoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính. Ảnh: Đức Minh

Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; đồng thời ban hành 11 văn bản quy phạm pháp luật liên quan, với trọng tâm là hệ thống tiêu chuẩn, định mức – nền tảng pháp lý quan trọng trong việc đánh giá, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Đối với tài sản dôi dư, không khuyến khích bán hoặc chuyển nhượng mà ưu tiên bố trí cho các mục đích công như giáo dục, y tế, văn hóa – xã hội hoặc điều chuyển cho cơ quan trung ương đóng tại địa phương.

Không chỉ hoàn thiện về mặt thể chế, công tác điều hành, đôn đốc cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Chỉ trong vòng hơn một tháng, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành 4 công điện chỉ đạo nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai tại các địa phương, đảm bảo đúng nguyên tắc, đồng bộ và không chậm trễ.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác liên ngành do Thứ trưởng Bùi Văn Khắng làm Tổ trưởng, gồm đại diện nhiều cơ quan trung ương như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông cùng đại diện các đơn vị chức năng. Tổ công tác đã trực tiếp làm việc theo cụm với 63 tỉnh, thành phố, đồng thời hướng dẫn cụ thể các trường hợp còn vướng mắc, nhất là những bất cập về nguyên tắc xử lý tài sản dôi dư.

Không khuyến khích bán tài sản công mà ưu tiên sử dụng cho mục đích công

Khẳng định quan điểm nhất quán của Nhà nước, bà Thoa nhấn mạnh, nguyên tắc hàng đầu là đảm bảo hoạt động ổn định của bộ máy sau sắp xếp. Theo đó, đối với tài sản dôi dư, không khuyến khích bán hoặc chuyển nhượng mà ưu tiên bố trí cho các mục đích công như giáo dục, y tế, văn hóa – xã hội hoặc điều chuyển cho cơ quan trung ương đóng tại địa phương.

90 ngày “chốt số” tài sản công sau sắp xếp tổ chức bộ máy
Tài sản công sẽ không bán mà ưu tiên sử dụng cho mục đích công. Ảnh minh họa

Đồng thời bà Thoa cũng cho biết, việc đánh giá hiện trạng sử dụng tài sản công phải toàn diện, khách quan, tránh tình trạng “thấy dư là lập tức loại bỏ”. Chỉ khi kết thúc giai đoạn rà soát 90 ngày, các cơ quan chức năng mới đủ căn cứ để tổng hợp và công bố số liệu chính thức về tình trạng nhà, đất công dôi dư.

Thực tế ghi nhận từ Bộ Tài chính cho thấy, sau ngày 1/7/2025 – mốc chính thức vận hành bộ máy mới, phần lớn các địa phương đã triển khai tương đối suôn sẻ, không còn nhiều vướng mắc đáng kể. Tuy nhiên, để có cái nhìn đầy đủ và tránh nóng vội, Bộ Tài chính yêu cầu từng địa phương báo cáo kết quả xử lý cụ thể sau 90 ngày triển khai.

Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc mới phát sinh trong quá trình sắp xếp, xử lý tài sản công. Những nội dung vượt thẩm quyền sẽ được Bộ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền để có hướng chỉ đạo phù hợp./.

Việc xử lý hiệu quả tài sản công dôi dư không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách, tránh lãng phí, mà còn mở ra cơ hội khai thác lại tài sản công cho các mục tiêu phát triển, phục vụ nhân dân. 90 ngày tới sẽ là khoảng thời gian bản lề để chốt lại bức tranh tổng thể, từ đó định hình các giải pháp căn cơ, bền vững trong quản lý và sử dụng tài sản công giai đoạn mới.